Trạm Y tế xã Quang Phong, thời điểm chúng tôi có mặt, toàn bộ các phòng làm việc, phòng khám bệnh, hành lang và sân trước ngập trong bùn đất. Đây là hậu quả sau hai lần mưa lớn sạt lở ta – luy dương khiến đất đá theo dòng nước chảy từ đồi sau trạm xuống. Dù là trong giờ hành chính nhưng các y, bác sĩ nơi đây lại xắn quần áo, tay xẻng, tay chậu, chổi nhựa cùng nhau dọn bùn đất, làm sạch nền, tường các phòng. Do khối lượng bùn đất quá lớn nên dù đã 02 ngày vẫn chưa dọn xong nhà trạm, phía sân trước bùn ngập sâu 30 - 40cm.
Ông Nông Văn Hoan, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Quang Phong chia sẻ: “Dù khối lượng bùn đất, rác tràn xuống trạm rất nhiều nhưng chúng tôi nỗ lực động viên nhau khắc phục thật nhanh để sớm phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho người dân. Chúng tôi rất mong cấp trên giúp xử lý phần đất sạt sau trạm để cán bộ, nhân viên y tế và bà con yên tâm khám, chữa bệnh”.
Do có sự chủ động từ trước, Trường PTDT Nội trú Na Rì đã cho học sinh nghỉ học trước 02 ngày, đồng thời di chuyển bàn ghế, trang thiết bị giáo dục lên chỗ cao nên hạn chế tối đa thiệt hại khi lũ sông Bắc Giang dâng cao gây ngập 01 dãy nhà học bộ môn. Ngay khi lũ rút, nhà trường đã huy động lực lượng dọn bùn đất, rửa nền lớp học và sân trường đón các em học sinh quay lại.
Nhà có diện tích ngô ruộng ven suối, những ngày mưa lũ bà Nông Thị Phiên, thôn Chè Cọ, xã Côn Minh đứng ngồi không yên. Nhìn lũ tràn bờ ngập sâu ruộng ngô mà không thể làm gì, bà Phiên thấy bất lực. Chiều 09/9 khi nước lũ rút hẳn bà Phiên vội vàng thăm ruộng, vớt rác bám vào ngô.
Trong đợt mưa lũ do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 3, Côn Minh là một trong những địa phương chịu thiệt hại nhiều về cơ sở hạ tầng, sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê sơ bộ của chính quyền địa phương, mưa lũ đã làm 17 hộ bị sạt lở ta –luy dương, trong đó có 03 hộ tại thôn Chợ B phải di dời khẩn cấp; 04 đường giao thông nông thôn, 01 tuyến liên xã, 01 kè bị sạt lở; thôn Lùng Pảng bị cô lập trong 03 ngày; 01 cầu dân sinh bị cuốn trôi; hàng chục héc – ta lúa, ngô bị úng ngập, hư hại…
Chủ tịch UBND xã Côn Minh, ông Sằm Văn Thường cho biết: Với phương châm “vừa ứng phó, vừa khắc phục”, xã đã huy động lực lượng xung kích tại chỗ để giúp người dân di dời nhà, tài sản, cung cấp nhu yếu phẩm cho các thôn bị cô lập. Nhiệm vụ trọng tâm của địa phương hiện tại là hỗ trợ các hộ dân khắc phục sạt lở nhà; huy động lực lượng xử lý các điểm sạt để bảo đảm giao thông; nạo vét và sửa chữa công trình thủy lợi; chỉ đạo, hướng dẫn người dân khắc phục diện tích lúa, ngô, hoa màu bị hư hại.
Theo số liệu tổng hợp của huyện Na Rì, đến 14h chiều 12/9, toàn huyện có 160 nhà bị thiệt hại; 04 trường học tại xã Kim Hỷ, Sơn Thành, Dương Sơn, Cường Lợi bị tốc mái các lớp học, đổ tường rào, ngập nước; Trạm Y tế và Trụ sở Công an xã Quang Phong, Trụ sở Công an xã Cư Lễ bị sạt lở.
Về nông, lâm nghiệp, 446ha bị ngập nước, gãy đổ, trong đó: Cây lúa là 105ha; cây ngô, rau màu 200ha; cây ăn quả 7,7ha; lâm nghiệp 133ha; 14ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập.
Các tuyến đường giao thông bị sạt lở tại 85 điểm với khối lượng khoảng gần 4.700m3 đất, đá; hư hỏng 05 cầu bê tông, trôi 04 cầu tạm… Tổng thiệt hại do bão số 3 gây ra đối với huyện Na Rì ước khoảng 33 tỷ đồng.
Trong suốt những ngày bị ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, huyện Na Rì đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời nhằm ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở. Các xã thị trấn huy động được trên 460 người bao gồm lực lượng xung kích, công an xã, cán bộ, công chức, người dân tại địa phương và huy động các phương tiện như ô tô, xe máy,… hỗ trợ Nhân dân di chuyển tài sản, khắc phục các hư hỏng về nhà ở để ổn định cuộc sống; khắc phục, xử lý tạm thời các điểm giao thông bị ảnh hưởng do thiên tai…
Nói về công tác khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, ông Nguyễn Ngọc Cương, Chủ tịch UBND huyện Na Rì cho biết: Quan điểm chỉ đạo của huyện là huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, tập trung nguồn lực để giúp người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở nhanh chóng ổn định đời sống và sản xuất. Di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, xử lý các điểm sạt lở để bảo đảm giao thông thông suốt; sửa chữa hạ tầng về cầu cống, kênh mương thủy lợi, nhà văn hóa, trụ sở các đơn vị bị hư hỏng. Nắm bắt kịp thời đời sống của người dân, chỗ nào thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống do thiên tai thì cấp phát.
Đối với sản xuất nông nghiệp, ngành chuyên môn và các địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người dân khắc phục những diện tích cây trồng bị thiệt hại nhẹ. Những diện tích không thể khôi phục sẽ nhanh chóng chuyển sang trồng loại cây khác./.