Lễ hội Lồng tồng Ba Bể và việc khai mở tiềm năng du lịch

BBK - Chiều 31/01, Hội Lồng tồng Ba Bể xuân Quý Mão năm 2023 tiếp tục diễn ra nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn. Lượng người dân và du khách đến dự hội ngày càng đông cho thấy sức hút lớn của Hội Lồng tồng Ba Bể nói riêng, bản sắc văn hóa Bắc Kạn nói chung đối với phát triển du lịch.
Quang cảnh Hội Lồng tồng Ba Bể.

Quang cảnh Hội Lồng tồng Ba Bể.

Thời tiết buổi chiều 10 tháng Giêng có nắng ấm, rất đông du khách tiếp tục từ khắp nơi đổ về dự hội. Khu tổ chức lễ hội rộng khoảng 5ha rực rỡ sắc màu và náo nhiệt mọi thanh âm. Ven mặt hồ trong xanh lộng gió, trước sân khấu lớn diễn ra các hoạt động như: Thi đấu bóng chuyền nam - nữ giữa các huyện, thành phố trong tỉnh; thi giã bánh giày, thi khâu còn; các trò chơi dân gian có thưởng...

Chị Đặng Thị Trang, du khách đến từ Vĩnh Phúc thích thú xem hội thi khâu còn.

Chị Đặng Thị Trang, du khách đến từ Vĩnh Phúc thích thú xem hội thi khâu còn.

Chị Đặng Thị Trang, du khách đến từ Vĩnh Phúc cho biết: "Tôi từng nhiều lần đến du lịch tại Bắc Kạn, nhưng đây là lần đầu tiên được dự Lễ hội Lồng tồng Ba Bể. So sánh với các lễ hội tại tỉnh khác, tôi vô cùng ấn tượng trước quy mô của Hội Lồng tồng nơi đây. Đến dự ngày hội, thích thú nhất là được ngắm nhìn, trải nghiệm các nét bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc địa phương".

Còn chị Lưu Thị Thanh, một người dân quê gốc tại thị trấn Chợ Rã, đã đi làm xa quê 30 năm tận TP. Hồ Chí Minh xúc động: "Đã rất nhiều năm tôi mới lại có dịp được dự Lễ hội Lồng tồng Ba Bể. Rất vui khi thấy quê hương nhiều đổi mới nhưng vẫn rất gìn giữ được nhiều nét bản sắc văn hoá dân tộc".

Các xã của huyện Ba Bể cắm trại, trưng bày nông sản tiêu biểu của địa phương.

Các xã của huyện Ba Bể cắm trại, trưng bày nông sản tiêu biểu của địa phương.

Ông Dương Văn Nghị, người dân Bản Lùng, xã Chu Hương, huyện Ba Bể không giấu được niềm phấn chấn: Mấy năm không có lễ hội do ảnh hưởng của dịch Covid-19, do vậy năm nay ông và người thân rất hào hứng đến tham dự. Ông Nghị đặc biệt ấn tượng trước các hoạt động như thi giã bánh giày, thi khâu còn. Hoạt động thi đấu bóng chuyền cũng được tổ chức quy củ hơn những năm trước...

Hai du khách người Pháp là Maxime và Marjorie thích thú trước sự cuốn hút của các món ăn tại Hội Lồng tồng Ba Bể.

Hai du khách người Pháp là Maxime và Marjorie thích thú trước sự cuốn hút của các món ăn tại Hội Lồng tồng Ba Bể.

Ngồi thưởng thức đặc sản thịt trâu khô gác bếp, thịt xiên nướng, đôi bạn trẻ người Pháp là Maxime và Marjorie cho biết đã đến Ba Bể được 2 hôm nay. Hai du khách tỏ ra thích thú trước sắc màu văn hoá của địa phương. Đặc biệt, họ ấn tượng mạnh trước sự thân thiện, hiếu khách của người dân nơi đây. Chị Marjorie ngạc nhiên khi nhiều món ăn tại lễ hội được chế biến không hề cầu kỳ nhưng lại tuyệt ngon!

Du khách tham quan gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại lễ hội Lồng tồng Ba Bể.

Du khách tham quan gian hàng trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh tại lễ hội Lồng tồng Ba Bể.

Tại khu trưng bày và bán sản phẩm OCOP, chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương chia sẻ: Ban Tổ chức lễ hội bố trí khu trưng bày sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản tại Hội Lồng tồng Ba Bể năm nay là việc làm rất sáng tạo.

Trong 2 ngày qua, rất đông người dân và du khách đến tham quan, tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ và mua sản phẩm. Toàn bộ gạo nếp Tài mang đến trưng bày đã được đặt mua hết ngay. Đặc biệt, nhiều người dân vùng trồng bí xanh thơm tự thuyết minh, giới thiệu rất chính xác và sinh động cho du khách về các sản phẩm của địa phương. Chị Ninh xúc động: Điều đó chứng tỏ bà con rất tự hào, nhìn thấy phần công sức và tâm huyết của mình kết tinh trong các sản phẩm nông sản đặc sản, sản phẩm OCOP... Khả năng thuyết trình được phát huy sẽ giúp du lịch trải nghiệm của địa phương phát triển. Niềm vui này lan toả tới du khách, càng khiến lễ hội năm nay thêm ấm áp, ý nghĩa.

Sự đặc sắc, đông vui của Hội Lồng tồng Ba Bể năm nay minh chứng cho sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế - xã hội huyện Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung sau dịch Covid-19. Đồng thời qua đây cho thấy tiềm năng to lớn của ngành du lịch khi gắn với sản xuất nông sản và bảo tồn bản sắc văn hoá truyền thống./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in