Thiếu nhi Bắc Kạn vượt khó vươn lên:

Kỳ I- Những bông hoa nhỏ ngát hương

School Banner in Yellow Pink Playful Style .jpg
Colorful Pastel Cute Aesthetic A Day In My Life YouTube Thumbnail.jpg

Con đường dốc chênh vênh, cô bé dáng người mảnh dẻ dắt tay mẹ đi lấy củi trở về, tiếng nói cười rất nhỏ mà sao trong trẻo lạ thường. Đó là ấn tượng đầu tiên khi chúng tôi gặp em Mã Thị Như Ngọc, ở thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn.

School Banner in Yellow Pink Playful Style .jpg

Anh Mã Văn Trịnh (sinh năm 1982) và chị Dương Thị Khé (sinh năm 1990) đều không may bị bạo bệnh, mù cả hai mắt từ khi mới chập chững tập đi. Hai người tình cờ gặp gỡ và nên duyên khi cùng tham gia học chữ nổi tại tỉnh Nam Định. Vượt qua những đắn đo, lo sợ, anh chị đã về chung một nhà và vỡ oà trong hạnh phúc khi đón em bé ra đời. Anh Trịnh nâng niu, đặt tên con gái là Mã Thị Như Ngọc với lời nhắn nhủ, em chính là viên ngọc quý giá, sáng mãi trong cuộc đời của bố mẹ.

Chị Dương Thị Khé lặng lẽ lau nước mắt, khi nhắc về cô con gái nhỏ: "Những ngày mới có con, tôi lo sợ rất nhiều thứ. Ngay cả việc đơn giản nhất là cho con bú cũng khiến tôi khóc, mắt không nhìn thấy, con bé đói đến run cả người, tôi lóng ngóng mãi mới cho con ăn được… Ngọc biết thương bố mẹ từ bé, ăn no rồi ngủ, từng ngày lớn lên, giờ con chính là hy vọng, là đôi mắt, là tương lai của cả nhà".

Hoàn cảnh anh Trịnh, chị Khé như vậy nên bao năm nay chỉ sống tằn tiện qua ngày bằng tiền trợ cấp cho người bị khuyết tật. Năm 2015, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với các đơn vị tài trợ xây tặng Nhà nhân ái cho gia đình. Căn nhà cấp 4 kiên cố, bên trong có vài chiếc ghế nhựa, hai chiếc ti vi kiểu cũ đều đã hỏng, xung quanh là những bức tranh, phiếu bé ngoan treo ngay ngắn trên bức tường trống trải.

Brown Grey Photo Collage Autumn Vibe Facebook Post.jpg

Như Ngọc sau khi đưa mẹ về nhà, lẳng lặng chui vào “phòng riêng” của em tiếp tục làm một chiếc ô tô tải bằng giấy bìa. “Phòng riêng” của Ngọc là chiếc gầm bàn chỉ đủ để mình em và chú mèo nhỏ chui vào. Phía bên trong được Ngọc cắt bìa hộp bánh kẹo để trang trí, còn có thêm hai con búp bê và một chú gấu bông cũ mèm, lấm lem mực bút màu.

Ngọc có đôi mắt rất sáng, trong trẻo, trong những lần hiếm hoi em nở nụ cười, đôi mắt ấy như bừng lên ánh nắng. Phải mất không ít thời gian, chúng tôi mới có thể trò chuyện và lắng nghe những chia sẻ ngập ngừng của em: Ba tuổi, em bắt đầu thấy sự khác biệt khi chỉ được bà đưa đi học. Đến khi vào lớp 1 là em nhận thức rõ được hoàn cảnh của mình khi bắt đầu phải tự đi học một mình. Bố mẹ cũng không thể nhìn thấy chữ, số để dạy em đánh vần, tính toán. Lúc ấy em thương bố mẹ, nên chạy ra trước cửa nhà khóc. Bố em bảo ‘‘Con đừng buồn, bố mẹ không khổ lắm đâu, có con là nguồn động viên lớn nhất với bố mẹ rồi”. Từ đó, em biết rằng mình phải luôn luôn cố gắng để sau này giúp đỡ bố mẹ nhiều hơn.

Ngày ngày, Như Ngọc vẫn cặm cụi vượt gần 3km đến trường, cần mẫn, nỗ lực tiến về phía trước. Chúng tôi không khỏi day dứt trước điều ước duy nhất của Như Ngọc: “Em ước mắt của bố mẹ em sẽ nhìn thấy…”

Cô giáo Phạm Thị Huyền Trang, giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường TH - THCS Nà Khoang cho biết: Em Mã Thị Như Ngọc luôn gương mẫu đi đầu trong học tập và rèn luyện, tích cực tham gia các phong trào hoạt động Đội. Như Ngọc còn giúp bạn lớp 3A1 bị hỏng 1 mắt, vượt qua sự mặc cảm và động viên em tiếp tục đi học. Như Ngọc đã đạt được những thành tích cao trong các cuộc thi Trạng nguyên Toán, tiếng Việt, giải Nhất Hội thi Giao lưu tiếng Việt của chúng em, suốt 3 năm liền là học sinh xuất sắc.

mmmmm.jpg

“Lúc cõng Thi em cũng thấy mệt, nhưng nếu em không cõng thì em gái sẽ không được đến lớp. Nếu không được đi học sau này Thi sẽ khổ lắm…” Đó là chia sẻ của Lương Anh Khôi, học sinh lớp 4, nặng 24kg, em chính là đôi chân của em gái mình.

Dark Green Modern Travel Facebook Post.jpg

Giữa vùng đất bốn bề là đá, ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ rộn tiếng nói trẻ thơ, khi chúng tôi đến cả nhà Khôi đang chọn cây thuốc lá, bó thành những túm nhỏ. Mẹ Khôi nhỏ bé, hiền lành, chị gái Khôi sinh năm 2012 lí nhí chào. Còn Khôi e dè cặm cụi giữa những chiếc lá vàng, chiếc áo đỏ ngắn củn, trên ngực trái vẫn in dòng chữ “Trường Mầm non Cao Sơn”.

Theo mỗi bước chân của chúng tôi, căn nhà vang lên tiếng kẽo kẹt. Chị Hoàng Thị Thu, mẹ của Khôi ngại ngùng: Vợ chồng tôi làm nhà này năm 2014, cố gắng có ngôi nhà để ở nên cũng không chắc chắn lắm. Cả nhà chỉ trông vào gần 2.000m2 đất để trồng cây thuốc lá, làm ruộng, con gái út lại hay ốm, sức khoẻ yếu phải có người ở nhà, nên không đi làm công nhân xa được. Bao năm nay, gia đình vẫn là hộ nghèo.

Khôi ngoan lắm, không việc gì là không làm, nấu cơm, giặt quần áo, lớp 2 đã theo mẹ lên nương vun ngô. Vất vả cả ngày nhưng vẫn không quên học bài, muộn thế nào cũng làm hết bài xong mới đi ngủ. Năm nào cũng được nhận Giấy khen học sinh xuất sắc, còn đạt giải trong kỳ thi Trạng nguyên Toán, tiếng Việt - chị Hoàng Thị Thu cho hay.

Trong căn nhà đầy những lá thuốc nguyên liệu, ở một góc nhỏ cạnh cửa sổ, bốn chiếc cặp sờn rách xếp thẳng hàng, cô bạn phóng viên đi cùng tôi lặng lẽ lau nước mắt. Được biết, vợ chồng chị Thu sinh được ba người con, nhưng thật không may khi cô con gái đầu không được nhanh nhẹn, cô con gái út lại bị tổn thương vận động. Bé út tên Lương Bảo Thi, hay cười và nói chuyện đáng yêu vô cùng. Do đôi chân rất yếu và bị teo lại nên Thi đi được vài bước là lại bị ngã. Không chỉ cõng em đi học, Khôi còn giúp em Thi và chị gái học tập. Khôi dạy em làm toán, cầm tay em nắn nót từng nét chữ đầu tiên. Thi quấn lấy anh Khôi mỗi ngày, anh Khôi chính là niềm hy vọng và là cả tương lại của Thi sau này.

Tiễn chúng tôi ra cổng, em Thi ở trên lưng Khôi ríu rít vẫy tay chào, còn Khôi vẫn cười ngượng ngùng, chỉ có đôi mắt dường như quá nhiều nỗi lo âu. Chặng đường phía trước hẳn sẽ còn dài và rất nhiều gian nan với ba chị em Lương Anh Khôi. Chỉ mong sao các em luôn vững chân và mạnh mẽ như những mầm xanh bật lên từ núi đá ở Cao Sơn hôm nay…

ggggg.jpg

Sinh ra không có bàn tay phải, em Hoàng Lục Phương Thảo, ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn vẫn kiên trì vượt qua thử thách để bước dần đến ước mơ. Phương Thảo hiện đang là học sinh lớp 7, Trường THCS Cao Kỳ, huyện Chợ Mới. Từ khi chào đời, Thảo đã không may mắn vì thiếu mất cánh tay phải. Em lớn lên trong tình yêu thương, sự quan tâm, thấu hiểu của gia đình.

Với mong muốn con gái sẽ mạnh mẽ đối mặt, vượt qua khó khăn, bố mẹ Phương Thảo luôn động viên em tự lập, chủ động trong sinh hoạt và học tập.

Bằng sự kiên trì và nhẫn nại, trang vở với nét chữ nguệch ngoạc dần trở nên tròn trịa đẹp mắt. Phương Thảo dành hầu hết thời gian tập cầm bút, luyện viết để “cho quen tay, viết nhanh hơn và không bị chuột rút”. Thành công đầu tiên mà Thảo nhớ mãi là khi được cô giáo chủ nhiệm chọn tham gia cuộc thi viết chữ đẹp cấp trường, cấp huyện.

Sau biết bao nỗ lực và cả những giọt nước mắt tủi thân, Phương Thảo đã kiên trì, bước từng bước nhỏ và "hái" được những bông hoa thành tích đầu tiên. Không chỉ là học sinh xuất sắc, từ lớp 1 đến lớp 5, Thảo được thầy cô và các bạn tin tưởng bầu làm lớp trưởng, em luôn năng nổ nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc được giao.

Lên bậc THCS, Thảo giữ vững thành tích học tập của mình và được bầu làm Chi đội trưởng. Thảo học đều tất cả các môn, nhưng môn học mà em yêu thích nhất là Ngữ văn. Em bảo, môn Văn giúp em có những đồng cảm, rung động về cuộc sống, về tình người. Thông qua những trang sách, em thêm yêu cuộc đời và hướng đến những điều tốt đẹp phía trước.

Cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, Tổng phụ trách Đội, Trường THCS Cao Kỳ (Chợ Mới) cho biết: Bên cạnh thành tích học tập xuất sắc, hiện nay Thảo còn là một Chi đội trưởng luôn gương mẫu trong mọi hoạt động của lớp, của trường, có tác phong nhanh nhẹn, tự giác trong mọi hoạt động của Đội.

ảnh em thảo chuẩn.jpg

Với tình yêu và cảm nhận đặc biệt như vậy, Phương Thảo không ngừng tìm hiểu, tự học để nâng cao kiến thức. Năm học 2022-2023 em đã xuất sắc đoạt giải Nhì cấp huyện môn Ngữ văn lớp 6, đoạt giải Ba cấp tỉnh môn Ngữ văn 6; năm học 2023-2024, em đạt giải Ba cấp huyện môn Ngữ văn lớp 7. Năm học 2022 - 2023 Phương Thảo được Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong kì thi học sinh giỏi cấp tỉnh; Giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong quản lí giảng dạy và học tập” của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn.

Nhắc về giai đoạn khó khăn nhất, cô bạn nhỏ cười thật hiền: "Lúc học xong tiểu học, em nhận thức được rõ hơn sự khác biệt của mình. Thời điểm đó, em nghĩ rằng mình không thể tiếp tục việc học. Em sợ mọi người kì thị khi tay em không lành lặn. Bố mẹ, thầy cô và bạn bè đã động viên, chia sẻ với em. Qua mạng xã hội, em biết có những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình rất nhiều, những tấm gương ấy đã cho em thêm nghị lực để vươn lên".

Sau những giờ học căng thẳng, cô gái nhỏ lại dùng cánh tay trái chăm chỉ giúp mẹ nấu cơm, xào rau, dọn dẹp nhà cửa. Với nghị lực và niềm tin vào cuộc sống của em, tin tưởng rằng, Hoàng Lục Phương Thảo sẽ luôn toả sáng trên hành trình tiến về phía trước.

Bắc Kạn là tỉnh vùng cao còn rất nhiều khó khăn. Không chỉ có Ngọc, Khôi, Thảo mà còn biết bao trẻ em ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh vẫn đang ngày ngày nắm cơm, bước bộ hàng chục ki-lô-mét đến trường. Các em là những "búp măng non" rất cần được chở che, tiếp sức để vươn lên trong cuộc sống./.

(Còn nữa)

Xem thêm