Du khách trải nghiệm làm bánh cùng phụ nữ xã Nam Mẫu (Ba Bể) |
Du khách thưởng thức bánh truyền thống do người dân thôn Phiêng Phàng, xa Yến Dương (Ba Bể) tự chế biến. |
Du khách hòa mình vào các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc vùng hồ Ba Bể. |
Nét đẹp của phụ nữ Sán Chỉ, thôn Khâu Đấng, xã Bộ Bố (Pác Nặm) bên khung cửi. |
Kỳ 1: Du lịch cộng đồng Bắc Kạn – bức tranh còn đơn sắc
Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, người dân thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu (Ba Bể) đã biết làm du lịch cộng đồng. Tuy nhiên, sau hơn 30 năm, hình thức du lịch này gần như chỉ phát triển quanh khu vực hồ Ba Bể, trong khi rất nhiều địa phương trong tỉnh có tiềm năng và lợi thế để khai thác.
Dấu ấn từ du lịch cộng đồng hồ Ba Bể
Cuối Thu, tiết trời Ba Bể se lạnh, nhóm du khách đến từ Hải Phòng sau khi dùng bữa tối, quây quần cùng chủ nhà nghỉ Homestay Ngôn Văn Toàn, thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu nghe ông kể huyền tích hồ Ba Bể, chia sẻ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tày và chuyện người dân nơi đây làm du lịch cộng đồng. Dù đi du lịch nhiều nơi nhưng chị Bùi Thu Hoài, thành viên nhóm du khách Hải Phòng cho biết: “Được nghe hát Then – đàn Tính, ăn tép chua, khám phá nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày trong khung cảnh thơ mộng của hồ Ba Bể là trải nghiệm khó quên”.
Khởi phát từ việc gia đình ông Ngôn Văn Toàn cải tạo nhà đón khách du lịch hơn 30 năm trước, đến nay huyện Ba Bể có khoảng 60 hộ dân đăng ký dịch vụ Homestay, tập trung ở khu vực hồ Ba Bể và xã Khang Ninh. Du lịch cộng đồng Ba Bể đã trở thành thương hiệu được nhiều công ty lữ hành và du khách biết đến.
“Mỗi dịp dẫn khách đến Ba Bể tôi đều giới thiệu cho họ chọn nghỉ tại những homestay quanh hồ. Phản hồi từ du khách đối với du lịch cộng đồng nơi đây khá tốt bởi có sự hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa bản địa của cộng đồng dân cư”, hướng dẫn viên Cao Văn Đức của hãng Vietravel chia sẻ.
Nhiều địa điểm tiềm năng chưa được đánh thức
Những ai từng đặt chân đến Khâu Đấng (xã Bộc Bố, huyện Pác Nặm) đều cảm mến khung cảnh bình yên và con người nơi đây. Dưới mái nhà sàn cổ là cuộc sống bình dị nhưng đầy màu sắc của đồng bào dân tộc Sán Chỉ. Dù làm gì, ở đâu, trong dịp lễ, Tết hay xuống chợ, làm nương, phụ nữ Sán Chỉ vẫn mặc trang phục truyền thống với niềm tự hào riêng. Ở Khâu Đấng, văn hóa liên quan đến lễ nghi vòng đời người và lao động sản xuất vẫn được gìn giữ, phát huy. Trải nghiệm cùng phụ nữ Sán Chỉ dệt vải, tắm thác mùa hè, thưởng thức món ăn ngon cũng là điểm cộng cho Khâu Đấng.
Khuôn Bang là thôn vùng cao của xã Như Cố (Chợ Mới) nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Tày. Nơi đây hội tụ đủ yếu tố để phát triển du lịch cộng đồng: Từ cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những nếp nhà sàn cổ kính, khí hậu trong lành, môi trường xanh - sạch, thôn có đội văn nghệ quần chúng và rất nhiều truyền thống tốt đẹp được giữ gìn và phát huy.
Theo khảo sát của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Kạn có khoảng 25 địa điểm có thể phát triển du lịch cộng đồng, phân bố ở tất cả các huyện, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Ba Bể (9 điểm); Na Rì (4 điểm); Chợ Đồn (3 điểm)…Tuy nhiên, ngoài huyện Ba Bể thì du lịch cộng đồng ở các địa phương khác chưa phát triển.
Đồng chí Trần Đình Thất, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đánh giá: “Rất khó so sánh tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch cộng đồng với các tỉnh bạn vì mỗi địa phương có đặc điểm riêng. Tuy nhiên, có thể khẳng định, với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đa dạng, đặc sắc còn lưu giữ thì Bắc Kạn có nhiều lợi thế để phát triển mảng du lịch này. Ngoài khu vực hồ Ba Bể, nhiều địa danh khác hội tụ đủ điều kiện để làm du lịch cộng đồng như: Khâu Đấng, xã Bộc Bố (huyện Pác Nặm); Phiêng Phàng, xã Yến Dương (Ba Bể); Khuôn Bang, xã Như Cố (Chợ Mới); Bản Chiêng, xã Đôn Phong (Bạch Thông); Nà Vẹn, xã Xuân Dương (Na Rì)…Để biến những vùng đất giàu tiềm năng này thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, ngành đã và đang chủ động tham mưu cho tỉnh xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân”./. Còn nữa!