Khơi dậy phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Bắc Kạn trong giai đoạn mới

BBK - Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã gắn kết các tộc người, hình thành nên những phẩm chất đặc biệt chung của dân tộc Việt Nam, đó là: Yêu nước, cần cù, anh hùng, sáng tạo, lạc quan, thương người, vì nghĩa. "Đây là những phẩm chất cơ bản nhất của con người Việt Nam - "Bảng giá trị tinh thần" của người Việt".

Pano.jpg

Thời gian qua, cùng với sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy, sự vào cuộc của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, nhiều phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của con người Bắc Kạn đạt được nhiều kết quả nổi bật, chuyển biến cả về nội dung, hình thức, cấp độ và sức lan tỏa.

Các cơ quan báo chí của tỉnh như: Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh đã có các chuyên mục, chuyên trang giới thiệu vùng đất và con người Bắc Kạn; đặc biệt, là những giá trị truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Kạn. Cùng với đó, cũng đã đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thông tin xấu độc, hành vi tiêu cực ảnh hưởng đến nền văn hóa, làm tha hóa con người; đồng thời, gợi mở hướng khắc phục những mặt hạn chế trong xây dựng văn hóa, con người mới, góp phần khẳng định và hoàn thiện những phẩm chất và bản sắc con người Việt Nam, con người Bắc Kạn trong thời kỳ mới.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân hiểu được cơ sở hình thành những phẩm chất tốt đẹp, đặc biệt là nhận diện những hạn chế về tính cách của con người Bắc Kạn, những tác động và yêu cầu đặt ra từ hội nhập quốc tế, từ sức lan tỏa của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tiếp tục có kế hoạch từng bước khắc phục, điều chỉnh, hội nhập và phát triển vẫn là khâu khó.

Để tiếp tục phát huy những giá trị về phẩm chất, truyền thống tốt đẹp; loại bỏ dần những yếu tố không còn phù hợp góp phần xây dựng Bắc Kạn phát triển toàn diện trong tình hình mới, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Một là, tuyên truyền phát huy phẩm chất, truyền thống văn hóa, con người Bắc Kạn, góp phần xây dựng tỉnh nhà phát triển.

Nhằm làm cho các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và Nhân dân: Thấu hiểu, khẳng định và tự hào về truyền thống văn hóa và con người Bắc Kạn; khẳng định và phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Kạn đó là: đoàn kết, yêu nước; nghĩa tình; lạc quan; thật thà, giản dị…; cùng với tuyên truyền phát huy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp, cần tuyên truyền về những điểm còn hạn chế trong phong cách của một bộ phận người dân cần vượt qua, hướng tới những điều tốt đẹp hơn.

Các cơ quan, địa phương cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền thông qua báo chí, phát thanh, truyền hình; các trang web, Trang (Cổng) thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND, các sở, ngành địa phương, các trang mạng xã hội, facebook... để đăng tải, trao đổi, chia sẻ thông tin... tạo các diễn đàn để người dân hiến kế, hiến sức, hiến tài…; các hội nghị, hội thảo quảng bá xúc tiến đầu tư, các buổi giao lưu, gặp gỡ... để giới thiệu, huy động nguồn lực từ con em Bắc Kạn trong và ngoài tỉnh; công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi đắp bản lĩnh, nhân cách, tâm hồn và bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân để giáo dục truyền thống và những phẩm chất cần có của con người Bắc Kạn trong thời kỳ hội nhập cho thế hệ trẻ; tổ chức cung cấp thông tin, tình hình của tỉnh cho bà con xa quê qua các kênh.

Hai là, quan tâm xây dựng môi trường văn hóa

Xây dựng môi trường văn hóa là xây dựng các sản phẩm văn hóa, cảnh quan văn hóa, thiết chế văn hóa, hệ thống những ứng xử văn hóa; xây dựng văn hóa gia đình, cơ quan, đơn vị... Để phát huy những phẩm chất tốt đẹp của con người Bắc Kạn trong thời kỳ mới phải chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong hệ thống chính trị, trong mỗi địa phương, trong từng cộng đồng làng, bản, khu phố, cơ quan, doanh nghiệp và mỗi gia đình, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, đạo đức, lối sống...

Cần tập trung xây dựng thiết chế văn hóa và phát huy công năng, khai thác, sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ tốt nhất cho nhu cầu văn hóa của người dân. Nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đồng bộ để duy trì và vận hành các thiết chế văn hóa đã có. Đồng thời xóa bỏ hủ tục, tập quán lạc hậu và quan tâm xây dựng một số cơ chế chính sách ưu đãi mới để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao mà địa phương có nhu cầu; thu hút người tài để có sự lan tỏa, phát huy những phẩm chất tốt đẹp hoặc qua những "tinh hoa" thì vấn đề quan tâm tổ chức thực hiện tốt những chính sách đã được ban hành, động viên, tôn vinh những người có nhiều công lao đóng góp trong phát huy nhân tố con người - sức mạnh "mềm" của Bắc Kạn.

Cần quan tâm phát huy tiềm lực con người Bắc Kạn ở ngoài tỉnh thông qua tuyên truyền cung cấp thông tin, trao đổi, chia sẻ các ý tưởng, đề án khoa học và vận động, phát huy sự góp sức của lực lượng ngoài tỉnh để huy động nguồn lực, trí tuệ của những người con Bắc Kạn.

Ba là, xây dựng con người Bắc Kạn có trình độ chuyên môn cao, khả năng thích nghi nhanh và kỹ năng lao động giỏi.

Trước tiên, cần quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo

Tập trung chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả, đồng thời đáp ứng yêu cầu số lượng. Trong đó chú trọng:

Đẩy mạnh công tác phát triển Đảng, công tác chính trị, tư tưởng trong các trường học. Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục và đào tạo; quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, đảm bảo phù hợp với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo. Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp; các cơ quan quản lý giáo dục.

Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của giáo dục chú trọng triển khai chủ trương đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ và tin học; củng cố kết quả xóa mù chữ và phổ cập giáo dục; hạn chế tỷ lệ học sinh bỏ học; chăm lo giáo dục mầm non, giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề dạy tiếng nói và chữ viết của các dân tộc thiểu số; kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý các cơ sở dạy nghề... Quy hoạch hợp lý mạng lưới các trường mầm non, phổ thông trên địa bàn tỉnh. Nâng cao chất lượng đào tạo, liên kết của Trường Cao đẳng Bắc Kạn thực sự là địa chỉ uy tín, chất lượng đào tạo nghề cho lao động trong tỉnh. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng xã hội học tập.

Tiếp tục đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của các cơ sở giáo dục, đào tạo. Đổi mới cơ chế tiếp nhận xử lý thông tin trong quản lý, thực hiện cơ chế người học tham gia đánh giá hoạt động giáo dục, đào tạo; nhà giáo tham gia đánh giá cán bộ quản lý; cơ sở giáo dục, đào tạo tham gia đánh giá cơ quan quản lý Nhà nước. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Vận động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia phát triển giáo dục; chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục và đào tạo. Nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, khả năng suy luận, phản biện đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của con người Bắc Kạn trong thời kỳ hội nhập.

Quan tâm định hình thêm một số phẩm chất trọng yếu trong từng nhóm đối tượng.

Trong đó có thể chia các nhóm cụ thể: Đối với người lãnh đạo, quản lý: Quan tâm xây dựng phẩm chất chung và những phẩm chất nổi trội về sự chủ động, có hoài bão, có tầm nhìn, biết trân trọng các cá nhân, biết khích lệ, động viên tinh thần của cấp dưới. Đối với đội ngũ trí thức cần chú trọng năng lực tư duy, sáng tạo. Đối với đội ngũ doanh nhân cần hướng đến phẩm chất về tầm nhìn, tư duy dự báo, nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội, xử lý thông tin. Đối với người nông dân cần chú ý phẩm chất chịu khó tự học, nghiên cứu tiếp cận, kiến thức và thành tựu khoa học kỹ thuật; phải lành nghề về sản xuất, hiểu biết về hội nhập, phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ cả trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không chỉ nông dân với nông dân, mà với cả nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp.

Việc khơi dậy nguồn lực con người là nhân tố quyết định cho sự phát triển của tỉnh Bắc Kạn, bởi vậy bên cạnh việc bồi đắp, phát huy phẩm chất, truyền thống và bổ sung nội hàm, định hình những phẩm chất cần có thì cần thực hiện đồng bộ các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển trong môi trường hội nhập. Muốn vậy, phải đổi mới một cách căn bản và toàn diện từ tư duy đến hành động theo hướng mở, phát triển toàn diện năng lực, thể chất, nhân cách, đạo đức, lối sống, ý thức tôn trọng pháp luật và trách nhiệm công dân. Đặc biệt những phẩm chất truyền thống được hun đúc, kết tinh qua nhiều thế hệ./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in