"Khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành Du lịch tỉnh Bắc Kạn"

BBK -Sáng 04/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nông Quang Nhất chủ trì cuộc họp Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài "Khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành Du lịch tỉnh Bắc Kạn".

kh1-7960.jpg
Ban Chủ nhiệm đề tài "Khảo sát, đánh giá nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên phục vụ phát triển ngành Du lịch tỉnh Bắc Kạn" báo cáo kết quả nghiên cứu.

Đề tài do Trường Đại học Mỏ - Địa chất chủ trì thực hiện, TS. Tô Xuân Bản làm chủ nhiệm đề tài, thực hiện trong thời gian 30 tháng (01/2022 đến tháng 8/2024). Mục tiêu của đề tài nhằm đánh giá tổng thể nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, đề xuất giải pháp nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị phục vụ phát triển ngành Du lịch tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Qua thời gian thực hiện, đến nay, đề tài đã hoàn thành 04 nội dung, đạt được mục tiêu theo thuyết minh đề tài đã được phê duyệt, gồm: Thu thập các tài liệu phục vụ đánh giá tổng quan các điều kiện tự nhiên tỉnh Bắc Kạn trong mối liên quan với các tài nguyên du lịch tự nhiên, đá quý, đá mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh; Khảo sát, đánh giá các hang động và các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khác (cảnh quan địa hình vùng núi Các-xtơ, các hang động, thác nước, hệ thống sông, hồ, di sản địa chất); Khảo sát, đánh giá các loại đá mỹ nghệ, lấy mẫu chế tác thử các sản phẩm phục vụ du lịch; Hệ thống hóa các số liệu thu thập, xây dựng bản đồ các cụm du lịch, xây dựng hệ thống chia sẻ dữ liệu tài nguyên du lịch tự nhiên tỉnh Bắc Kạn và phần mềm tra cứu, khai thác thông tin trên nền tảng WebGIS.

kh2-6172.jpg
Đại biểu tham gia đóng góp vào các nội dung của đề tài.

Tại cuộc họp, các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án KH&CN đánh giá, đề tài đã cơ bản hoàn thành mục tiêu theo thuyết minh; đã đánh giá sơ bộ tài nguyên du lịch tự nhiên của tỉnh Bắc Kạn, nhất là đã chế tác được bộ sản phẩm đá mỹ nghệ từ nguyên liệu đá tại tỉnh. Đồng thời, góp ý một số nội dung, như: Một số số liệu chưa thống nhất, bản đồ về tài nguyên du lịch tự nhiên cần xây dựng chi tiết hơn. Cơ sở dữ liệu về tài nguyên du lịch tự nhiên chưa bao quát hết nguồn tài nguyên của tỉnh...

Đề nghị chủ nhiệm đề tài chỉnh sửa, bổ sung thông tin; làm rõ hơn đối với việc chuyển giao, tiếp nhận phần mềm tra cứu, khai thác thông tin trên nền tảng WebGIS... Các thành viên Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án KH&CN nhất trí nghiệm thu đề tài với kết quả "Khá" trên cơ sở chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện báo cáo theo ý kiến góp ý.

kh3-2604.jpg
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án KH&CN phát biểu kết luận.

Phát biểu kết luận, ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài/dự án KH&CN đề nghị Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Ban Chủ nhiệm đề tài tiếp thu các nội dung góp ý, hoàn thiện báo cáo, sản phẩm đề tài. Tiếp tục phối hợp với tỉnh để tổ chức triển khai, ứng dụng trong thực tiễn đối với kết quả của đề tài.

Các sở, ngành chức năng của tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ban Chủ nhiệm đề tài trong việc hoàn thiện các công đoạn, thủ tục cần thiết; tiếp nhận kết quả nghiên cứu của đề tài để kế hoạch phát triển các loại hình du lịch, trong đó có du lịch cảnh quan, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm kết hợp với tài nguyên du lịch vốn có đặc sắc về lịch sử, văn hóa và ẩm thực; xem xét kế hoạch xây dựng, phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch: Sản phẩm đá mỹ nghệ với tiêu chí đẹp, gọn, giá thành hợp lý, đặc trưng văn hóa, tài nguyên và du lịch tại địa phương; thực hiện các biện pháp bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên như là một tài nguyên không tái tạo để có thể tổ chức khai thác, phát triển an toàn, kết hợp hỗ trợ phát triển ngành du lịch bền vững, hiệu quả, thân thiện môi trường.../.

Xem thêm

Video

Đọc báo in