Ông Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, Trưởng ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh chủ trì hội thảo.
Dự Hội thảo có các ông, bà: Triệu Thị Thuý, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Đinh Quang Chúc, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Phó Trưởng Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh; Hoàng Thị Lệ Hằng, Trưởng đại diện Tổ chức APHEDA tại Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe bà Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử Quốc hội chia sẻ thực trạng, giải pháp nâng cao tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý và nữ ứng cử viên. Đồng thời nghe các báo cáo tham luận của các cơ quan, đơn vị về vấn đề bình đẳng giới, một số giải pháp nhằm nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ để chuẩn bị nhân sự đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030…
Các ý kiến của đại biểu đại diện cho các sở, ngành, các huyện, thành phố đã làm rõ được nhiều vấn đề về những thuận lợi, khó khăn trong công tác bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ hiện nay. Đồng thời đề xuất giải pháp để nâng cao tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy trong kỳ đại hội đảng năm 2025, nữ đại biểu tham gia Quốc hội, HĐND các cấp trong nhiệm kỳ 2026 - 2031, giải pháp nâng cao công tác bình đẳng giới.
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đề nghị các sở ngành, cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu và tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu trong Chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 với việc lồng ghép hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, công tác bình đẳng giới. Đồng thời lồng ghép giới trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển của ngành, đặc biệt quan tâm đào tạo quy hoạch, bổ nhiệm nữ tham gia lãnh đạo, quản lý đối với các đơn vị có 30% lao động nữ.
Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp tiếp tục đẩy mạnh đổi mới nội dung, phương pháp về công tác tuyên truyền về giới, bình đẳng giới để phổ biến sâu rộng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, từng vùng, từng địa bàn. Trong đó tập trung ưu tiên vùng nông thôn, nơi nhiều hộ nghèo, cận nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số gắn thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương. Tăng cường công tác giám sát việc lồng ghép giới của các cấp, ngành tại từng lĩnh vực và địa phương. Cung cấp các bộ tài liệu đa dạng hóa các hình thức và sản phẩm truyền thông để phối hợp cùng địa phương tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền thực hiện Luật Bình đẳng giới./.