Trong lời hiệu triệu sau Hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng lợi to”. Kết quả đó đặc biệt ý nghĩa bởi đây là hội nghị quốc tế đầu tiên đàm phán về vấn đề cơ bản, cốt lõi của quốc gia, dân tộc, trong bối cảnh thế giới, khu vực rất phức tạp.
Thắng lợi về chính trị, ngoại giao, pháp lý
Đoàn Việt Nam bước vào hội nghị với tư thế của một dân tộc vừa giành chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ta có sự đoàn kết, giúp đỡ của đoàn Liên Xô, Trung Quốc, nhưng phải đối mặt với sáu đối thủ (Mỹ, Anh, Pháp, Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia thân Pháp). Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Stalin mới mất, nội bộ Liên Xô chưa ổn định, muốn hòa hoãn với phương Tây. Trung Quốc lúc đó chưa phải là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an.
Đoàn Pháp do Ngoại trưởng Georges Bidault của chính phủ hiếu chiến dẫn đầu, chủ trương rút quân trong danh dự, bảo vệ tối đa lợi ích của Pháp ở Việt Nam và Đông Dương. Anh ủng hộ Pháp ra mặt. Mỹ vừa can dự quân sự, hỗ trợ Pháp vừa xây dựng “con bài” đưa Ngô Đình Diệm lên thay Bửu Lộc làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại, âm mưu thay chân Pháp xâm chiếm Việt Nam, Đông Dương. Pháp và đồng minh chung lập trường hiếu chiến, chỉ muốn giải quyết mặt quân sự trên thế có lợi, ngó lơ vấn đề chính trị; tách Lào, Campuchia khỏi vấn đề Việt Nam. Lập trường quá xa nhau, khiến đàm phán tiến triển chậm, có lúc bế tắc.
Trong bối cảnh đó, chúng ta đạt mục tiêu cơ bản là ngừng bắn, lập lại hòa bình; công nhận và tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản (độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ); cấm xây dựng căn cứ quân sự mới, gia nhập liên minh quân sự, cấm sử dụng mỗi miền phục vụ cho bất kỳ chính sách quân sự nào; tổng tuyển cử để thống nhất đất nước vào tháng 7/1956.
Điều đặc biệt giá trị là lần đầu tiên các quyền dân tộc cơ bản của Việt Nam được một Điều ước quốc tế và các cường quốc công nhận tại một hội nghị quốc tế. Đó là vị thế quốc tế, tiền đề, nền tảng để một quốc gia, dân tộc tồn tại và phát triển.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, anh dũng, chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ gần 100 năm của thực dân Pháp; mở ra chương mới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc. Đó là xây dựng miền Bắc theo con đường chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn, vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975.
Việt Nam khắc đậm trong nhân dân thế giới hình ảnh một dân tộc không những anh dũng chiến đấu mà còn cháy bỏng khát vọng hòa bình, nhân văn, tôn trọng công lý, luật pháp quốc tế. Qua Hội nghị Geneva, vị thế quốc tế của đất nước càng được nâng cao.
Tất cả là minh chứng sinh động rằng Hiệp định Geneva là thắng lợi to lớn về chính trị, ngoại giao, pháp lý của Việt Nam; vừa có giá trị trước mắt vừa mang ý nghĩa lâu dài đối với hòa bình, độc lập, tự do của quốc gia, dân tộc. Sau đó, chúng ta phải tiếp tục chiến đấu trong 20 năm mới thực hiện trọn vẹn mục tiêu cuối cùng, nhưng đó là câu chuyện khác.
Ý nghĩa thời đại sâu sắc
Dù ta kiên quyết đấu tranh, nhưng do ý đồ, sự chi phối của các nước lớn, lực lượng kháng chiến Lào, Campuchia không tham dự. Việt Nam đã đại diện cho lực lượng cách mạng, kháng chiến Lào, Campuchia đấu tranh, bảo vệ các quyền dân tộc cơ bản, yêu cầu đình chiến, khôi phục hòa bình toàn Đông Dương. Hiệp định Geneva là thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam, Lào, Campuchia.
Cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva trở thành tấm gương, động lực cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, mở đầu cho thời kỳ sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, đóng góp quan trọng vào tiến trình phát triển của nhân loại. Những cái tên Việt Nam, Hồ Chí Minh, Điện Biên Phủ, Geneva vang lên đầy hứng khởi trên nhiều châu lục.
Đoàn Việt Nam đã chủ động gặp gỡ báo chí, các đoàn thể xã hội, chính giới Pháp và quốc tế quan tâm, có thiện chí. Cùng với đó, hành động, ứng xử khôn khéo trong quá trình đàm phán làm cho thế giới hiểu rõ hơn về tình hình, sự phân định rạch ròi giữa nhân dân với chính phủ hiếu chiến Pháp, thiện chí sẵn sàng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, của nhân dân và Chính phủ Việt Nam.
Thất bại ở Điện Biên Phủ, thiện chí của ta, sự ủng hộ quốc tế, áp lực từ phong trào đấu tranh của nhân dân, các tổ chức chính trị, xã hội tiến bộ Pháp, khiến nội các hiếu chiến của Thủ tướng Joseph Laniel phải từ chức, phái chủ hòa lập chính phủ mới, là nhân tố quan trọng tác động đến tiến trình và kết cục của Hội nghị Geneva.
Vượt qua tầm mức quốc gia, không gian, thời gian, cùng với chiến thắng Điện Biên Phủ, thắng lợi của Hiệp định Geneva là mốc son trên hành trình đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc và mang ý nghĩa thời đại sâu sắc, là thắng lợi của tình đoàn kết quốc tế; tài sản quý báu của nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý, tiến bộ; biểu tượng của phong trào đấu tranh chống áp bức, giải phóng dân tộc trên toàn thế giới.
Thành quả của đấu tranh không ngưng nghỉ
Kết quả cuộc chiến quy mô chiến lược Thu Đông 1947, Biên giới Thu Đông 1950, Đông Xuân 1953 - 1954 và đặc biệt là chiến dịch quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ, tạo thế cho thắng lợi trong đàm phán ký kết Hiệp định Geneva. Hiệp định khẳng định tầm vóc và lan tỏa ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ. Hai sự kiện này mãi không tách rời.
Quá trình đàm phán, ký kết Hiệp định Geneva thể hiện nổi bật những nhân tố cơ bản, phẩm chất có ý nghĩa quyết định tiến trình, kết cục hội nghị.
Một là, sự lãnh đạo chỉ đạo sáng suốt, tài tình, kịp thời, hiệu quả của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối năm 1953, ta đề ra chủ trương mở cuộc đấu tranh ngoại giao phối hợp tiến công chiến lược 1953 - 1954 để đi tới chấm dứt chiến tranh. Báo cáo ngày 1/5/1954 của Ban Bí thư chỉ rõ “phải tranh thủ làm cho Hội nghị Geneva bắt đầu để đi đến các cuộc gặp khác”.
Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên lãnh đạo kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với đấu tranh ngoại giao, binh vận, chiến trường với bàn đàm phán, đấu tranh và đối thoại; chỉ đạo đối sách phù hợp với diễn biến phức tạp của hội nghị. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn đoàn Việt Nam bước vào hội nghị với tư thế người chiến thắng, nhưng phải sẵn sàng đối mặt với áp lực rất lớn. Cái bất biến trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phương châm chỉ đạo đàm phán “độc lập tự do, lợi ích cao nhất của quốc gia, dân tộc”.
Hai là, bản lĩnh, bản sắc, trí tuệ, vận dụng sáng tạo sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện cụ thể; vừa mềm dẻo, linh hoạt vừa kiên định; giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng. Ở xứ người, trong điều kiện thông tin khó khăn, phẩm chất đó vô cùng quan trọng.
Việt Nam đấu tranh để Hiệp định Geneva quy định cụ thể, có thời hạn, giải quyết đồng bộ cả vấn đề quân sự, chính trị (điều mà Pháp và đồng minh cố tình né tránh). Một trong những vấn đề phức tạp, mất nhiều thời gian là xác định ranh giới tạm thời và phân chia khu vực tập kết, chuyển quân. Ta chủ trương tập kết tại từng khu vực, chiến trường, nhưng Pháp kiên quyết đòi có giới tuyến quân sự để chia tách quân đội hai bên. Mỹ, Anh ủng hộ lập trường của Pháp.
Đoàn Việt Nam chuẩn bị và giữ bí mật phương án (vĩ tuyến 13, 16), cuối cùng chấp nhận vĩ tuyến 17, nhưng kiên quyết bảo lưu, khẳng định đây chỉ là ranh giới tạm thời, không phải là giới tuyến chính trị, giới tuyến lãnh thổ. Đây là sự nhượng bộ có nguyên tắc, theo phương châm giành thắng lợi từng bước, thể hiện bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sắc sảo, để đạt mục tiêu cơ bản là công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngừng bắn, lập lại hòa bình…
Lịch sử không có “giá như”. Tương quan lực lượng lúc đó có phần hạn chế đối với Việt Nam. Ta kiểm soát chủ yếu là vùng nông thôn rừng núi, tiềm lực bị hao tổn, cần thời gian củng cố; Pháp còn hàng trăm ngàn quân, đằng sau là âm mưu, hành động can thiệp quân sự của Mỹ. Trước đó, Hội nghị ở Geneva bàn vấn đề Triều Tiên, nhưng không đạt kết quả đáng kể nào.
Tài liệu tổng hợp đầy đủ sau này và nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện, khoa học khẳng định: ký kết Hiệp định Geneva 1954 đúng thời cơ, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh lúc đó.
Ba là, giành thế chủ động trong điều kiện khó khăn nhiều mặt, thiếu thông tin quốc tế.
Đó là chủ động đề xuất nội dung tám điểm cốt lõi; chủ động kết hợp đấu tranh chính trị, quân sự với ngoại giao, pháp lý, đối thoại; chủ động chuẩn bị các phương án đấu tranh; chủ động tổ chức Hội nghị quân sự Trung Giã (4 - 27/7) giữa Bộ Tổng tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam với Bộ Tổng chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương để tháo gỡ vướng mắc về quân sự, bàn biện pháp thực hiện…
Những bài học ngoại giao trường tồn
Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có bài viết toàn diện, sâu sắc về mốc son lịch sử của nền ngoại giao Việt Nam nhân dịp kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định Geneva 1954; nêu bật giá trị, tầm vóc lịch sử, ý nghĩa thời đại và sáu bài học nổi bật.
Thứ nhất, kiên định độc lập, tự chủ trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc. Thứ hai, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, gắn kết đoàn kết dân tộc với đoàn kết quốc tế. Thứ ba, kiên định mục tiêu, nguyên tắc, cơ động, linh hoạt sách lược theo phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”. Thứ tư, coi trọng nghiên cứu, đánh giá và dự báo tình hình, “biết mình”, “biết người”, “biết thời”, “biết thế” để từ đó “biết tiến”, “biết thoái”, “biết cương”, “biết nhu”. Thứ năm, sử dụng đối thoại và đàm phán hòa bình để giải quyết bất đồng, xung đột trong quan hệ quốc tế. Thứ sáu, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng nói chung, mặt trận ngoại giao nói riêng.
Bên cạnh đó, chúng ta nhận thức cụ thể, sâu sắc hơn về bạn, thù, đối tác, đối tượng; về mâu thuẫn, cạnh tranh giữa các nước lớn… Những bài học đó được Đảng kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong suốt quá trình đàm phán, ký và thực thi Hiệp định Paris 1973 và trong công tác đối ngoại, ngoại giao xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay; hình thành trường phái ngoại giao mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam“. Đó là minh chứng về sự trường tồn, vẹn nguyên giá trị của những bài học sâu sắc từ Hiệp định Geneva.
Trong lịch sử, có những sự kiện không những tác động tức thời với quốc gia mà còn có giá trị, ý nghĩa đối với tiến trình phát triển của thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva, Hiệp định Paris và cuộc tổng tiến công chiến lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước năm 1975 là những sự kiện có mối quan hệ chặt chẽ, tiêu biểu cho nhận định trên. Điều này không chỉ chúng ta mà nhiều chính khách, học giả, công trình khoa học, hội thảo quốc tế ghi nhận.
Vận dụng, phát triển các bài học từ Hiệp định Geneva 1954, xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng, là cách kỷ niệm thiết thực nhất, để mốc son lịch sử, các bài học trường tồn, đồng hành, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
TS. Vũ Đăng Minh