Gặp người lính tham gia đánh đồi A1 năm xưa

Cứ mỗi độ hoa ban Tây Bắc nở, là những ký ức thời “hoa lửa” của người lính năm xưa lại dội về trong ông, cái thời ông cùng đồng đội chia nhau từng ngụm nước, miếng lương khô, cùng vào sinh, ra tử để đánh đồi A1, quyết giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gây “chấn động địa cầu”.

Cứ mỗi độ hoa ban Tây Bắc nở, là những ký ức thời “hoa lửa” của người lính năm xưa lại dội về trong ông, cái thời ông cùng đồng đội chia nhau từng ngụm nước, miếng lương khô, cùng vào sinh, ra tử để đánh đồi A1, quyết giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ gây “chấn động địa cầu”.

Những ngày tháng 4 lịch sử này, chúng tôi có dịp công tác tại huyện Na Rì và được gặp chiến sĩ Điện Biên Nông Minh Đoàn, dân tộc Tày, quê ở xã Văn Học, huyện Na Rì. Mặc dù đã ở tuổi 85, nhưng tinh thần và trí óc của ông còn minh mẫn lắm, biết chúng tôi đến thăm và tìm hiểu về những trận đánh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ông vui lắm, vui vì mình có dịp kể lại những chiến công lẫy lừng của quân đội ta, mà đặc biệt là tài thao lược quân sự của người anh cả Quân đội Nhân dân Việt Nam cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Rót chén trà xanh mời khách, chiến sĩ Điện Biên Nông Minh Đoàn chậm rãi kể lại: Năm 1949, khi ấy ông vừa tròn 20 tuổi, cái tuổi mang trong mình biết bao hoài bão của cuộc sống. Thế nhưng, ông đã không chọn cho mình cuộc sống bình lặng của một chàng trai miền sơn cước, mà tình nguyện gia nhập quân ngũ, cầm súng chiến đấu tới cùng cho đến khi đánh đuổi được bọn Đế quốc xâm lược ra khỏi bờ cõi nước Nam.

Chiến sĩ Điện Biên Nông Minh Đoàn kể lại những lần tham gia đánh đồi A1 của mình
Chiến sĩ Điện Biên Nông Minh Đoàn kể lại những lần tham gia đánh đồi A1 của mình

Nhập ngũ năm 1949, ông Đoàn đóng quân tại Trung đoàn 176, thuộc Sư đoàn 316. Sau một thời gian được huấn luyện về kỹ, chiến thuật chiến đấu bộ binh tại đơn vị, ông cùng các đồng đội tham gia đánh trận Đông Khê, ở nam thị xã Cao Bằng, đây là trận đánh then chốt mở màn Chiến dịch biên giới năm 1950. Đông Khê bị tiêu diệt đã buộc quân Pháp phải rút bỏ lực lượng khỏi thị xã Cao Bằng và nhiều nơi khác trên đường số 4.

Lúc này, chiến trường Tây Bắc đang hết sức cam go và quyết liệt, ông cùng đồng đội ở đơn vị được lệnh lên mặt trận Tây Bắc, rồi trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ để giải phóng Điện Biên. Ông Đoàn còn nhớ rõ, sau khi đánh các trận quét đường từ Bắc Giang đến Phú Thọ rồi tỉnh Hòa Bình, Sơn La, đèo Pha Đin và cuối cùng đơn vị ông có mặt tại Điện Biên Phủ giữa mùa hoa ban nở. Rừng Tây Bắc tràn ngập sắc ban trắng, đỏ với hương thơm ngào ngạt, dịu êm nhưng chưa một ngày im tiếng súng, tiếng bom.

Ông cùng đơn vị tham gia đánh và giải phóng được khu đề kháng Him Lam, rồi tiếp tục đánh đồi A1 lần 2. Ông bảo, đồi A1 là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong Tập đoàn cứ điểm của Thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ; cùng với C1, C2, D và E, đồi A1 tạo thành bức tường thành vững chắc che chở cho phân khu trung tâm, là điểm cao cuối cùng trực tiếp che chở cho Sở chỉ huy quân Pháp và được ví như “chìa khóa” của cả tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vì vậy, để tiếp cận đồi A1 không dễ gì bởi việc canh phòng của địch hết sức gắt gao, quân ta hầu như không đi trên mặt đất mà vừa đánh, vừa đào hào công sự để đảm bảo an toàn lực lượng.

Trận đánh đồi A1 kéo dài, đầy hy sinh, gian khổ. Ta và địch giằng co từng tấc đất. Kể tới đây, chúng tôi thấy khóe mắt ông ngấn hai dòng lệ, cũng dễ nhận ra và chia sẻ cùng ông Đoàn, bởi Tiểu đội của ông khi đó có 11 người tham gia chiến đấu, nhưng chỉ qua một đêm ngắn ngủi đã hy sinh quá nửa: “Không đau sao được, khi những đồng đội đã cùng sát cánh bên nhau “bát cơm sẻ nửa, chăm sui đắp cùng” đã hy sinh cho Tổ quốc thiêng liêng”. Ông Đoàn kể trong nước mắt!.

Quân đội ta tiếp tục củng cố lực lượng, tiếp tục tiến đánh đồi A1. Và phải đến ngày 6 rạng sáng ngày 7/5/1954, nhờ khối bộc phá 1 tấn được đào bí mật phá sập hệ thống hầm ngầm của địch, ông cùng các đồng đội mới hoàn tất việc chiếm đồi, đồng thời loại khỏi vòng chiến đấu gần 1.000 lính Pháp cùng các loại vũ khí tối tân thời bấy giờ. Sau nhiều ngày chiến đấu, phải trả giá bằng xương máu, cuối cùng quân ta đã làm chủ hoàn toàn cứ điểm A1, mở toang cánh cửa thép tiến thẳng vào trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ...

Chiến tranh đã lùi sâu vào quá khứ 60 năm, khoảng thời gian bằng cả một đời người, ấy vậy mà ký ức thời “hoa lửa” vẫn còn in đậm trong tâm trí của người lính năm xưa. Giờ đây, cứ mỗi dịp kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), Chiến sĩ Điện Biên Nông Minh Đoàn lại có dịp cùng các thế hệ con cháu ôn lại những chiến công hào hùng của Quân đội Nhân dân Việt Nam, trong đó có một phần đóng góp sức chiến đấu bằng xương máu của ông và đồng đội./.

Ghi chép của Quý Đôn

Xem thêm

Video

Đọc báo in