Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần đồng bộ với các quy định pháp luật hiện hành

BBK - Chiều 19/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc tại Tổ để thảo luận về các dự án Luật Phòng không nhân dân, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

e6.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 thảo luận, góp ý dự thảo Luật PCCC và CNCH.

Dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp này gồm 9 chương, 65 điều, thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy; tăng cường giải pháp phòng ngừa, phân công, phân cấp gắn trách nhiệm trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; khắc phục hạn chế, vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành và bổ sung quy định đáp ứng yêu cầu thực tiễn khách quan trong tình hình mới.

Tham gia thảo luận góp ý đối với dự thảo Luật PCCC và CNCH, đại biểu Hoàng Văn Hữu, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 1 nhất trí cao với sự cần thiết ban hành luật. Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng các luật liên quan để bổ sung, sửa đổi các nội dung quy định trong dự thảo Luật cho đầy đủ, đồng bộ, như: Tại khoản 3, Điều 31 dự thảo cần bổ sung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc thực hiện QLNN về PCCC và CNCH đối với công trình, cơ sở, trang bị, phương tiện do Bộ Quốc phòng quản lý, để đảm bảo chặt chẽ, thống nhất với chức năng, nhiệm vụ của Bộ Quốc phòng; tại Điều 9 đề nghị có quy định các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về PCCC và CNCH để các tổ chức, cá nhân biết, thực hiện.

Về đảm bảo quyền ưu tiên đối với lực lượng chuyên ngành tham gia PCCC, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho biết, dự thảo luật mới đề cập đến quyền ưu tiên sử dụng phương tiện của lực lượng công an là chưa bao quát hết các lực lượng, phương tiện của các cơ quan liên quan khi tham gia PCCC. Do đó, đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung thêm quy định về quyền ưu tiên trong dự thảo luật để đảm bảo bao quát hết các lực lượng tham gia PCCC theo quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm quy định về người phát hiện sự cố, tai nạn có thể thông báo đến số điện thoại 112 để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Phòng thủ dân sự.

Góp ý đối với dự thảo Luật Phòng không nhân dân, đại biểu Hoàng Văn Hữu cho rằng tại Điều 2 về giải thích từ ngữ “chướng ngại vật phòng không là công trình xây dựng…” là chưa bao trùm được các yếu tố của chướng ngại vật. Đề nghị thay cụm từ “công trình xây dựng” bằng cụm từ “chướng ngại vật nhân tạo” cho phù hợp với quy định tại Điều 34 dự thảo luật. Còn tại điểm c khoản 2 Điều 29 dự thảo quy định điều kiện người trực tiếp điều khiển tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải có “kiến thức phòng không” là rất rộng, cần cân nhắc quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi khi áp dụng luật trong thực tiễn.

Cũng trong phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đã phát biểu làm rõ thêm một số ý kiến thảo luận của đại biểu, đồng thời nhấn mạnh sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu tối đa ý kiến của các ĐBQH đã nêu./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in