Đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số

BBK - Những năm qua, việc thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Ban Dân tộc tỉnh luôn đồng hành cùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) góp phần đưa chính sách của Đảng và Nhà nước đến với bà con.

Triệu Thị Thu Phương.jpg

Chặng đường xây dựng và phát triển

Năm 2005, UBND tỉnh Bắc Kạn quyết định thành lập cơ quan làm công tác dân tộc với tên gọi Ban Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở sáp nhập phòng Dân tộc - Tôn giáo thuộc Văn phòng UBND tỉnh và Chi cục Định canh định cư và Vùng kinh tế mới thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2008, thực hiện Nghị định 13/2008/NĐ-CP ngày 04/02/2008 của Chính phủ, bộ phận Tôn giáo được chuyển về Sở Nội vụ. Ngày 28/3/2008, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 575/QĐ-UBND đổi tên Ban Dân tộc và Tôn giáo thành Ban Dân tộc tỉnh. Ban Dân tộc tỉnh là cơ quan chuyên môn cấp sở có chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Hiện nay, Ban Dân tộc tỉnh được giao 14 biên chế hành chính và 02 hợp đồng 68. Tháng 12 năm 2022, Ban Dân tộc tỉnh sắp xếp lại thành 03 phòng, gồm: Phòng Kế hoạch - Tổng hợp; Phòng Chính sách dân tộc; Thanh tra. Đối với cấp huyện, thực hiện Đề án số 03-ĐA/TU ngày 10/5/2017 của Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tiến hành giải thể Phòng Dân tộc, chuyển chức năng, nhiệm vụ sang văn phòng HĐND và UBND huyện. Dù có thay đổi về cơ cấu, tổ chức bộ máy, tên gọi nhưng Ban Dân tộc tỉnh luôn giữ vai trò quan trọng trong tham mưu và thực hiện tốt các chính sách về dân tộc trên địa bàn.

Niềm vui được cấp téc đựng nước của người dân Sỹ Bình (Bạch Thông) từ Chương trình MTQG..jpg
Niềm vui được cấp téc đựng nước của người dân xã Sỹ Bình (Bạch Thông) từ Chương trình MTQG.

Đồng hành đưa chính sách đến người dân

Từng là thôn khó khăn nhất của xã Lương Thượng (Na Rì), cuộc sống của đồng bào Mông ở Khuổi Nộc đã có nhiều đổi thay nhờ các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là nguồn lực của các chương trình MTQG. Năm 2023, Khuổi Nộc được nhận 130 triệu đồng tiền khoán bảo vệ rừng cộng đồng từ Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS&MN. Phần lớn số kinh phí này chia cho các hộ dân tham gia bảo vệ rừng, phần còn lại thôn giữ để chi cho các khoản đóng góp chung. Đồng thời, có 07 hộ được xóa nhà tạm, nhà dột nát từ nguồn vốn của Bộ Quốc phòng, 09 hộ được hỗ trợ làm nhà từ Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN.

Ông Vương Văn Sinh, Trưởng thôn Khuổi Nộc khẳng định: Các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã giúp cuộc sống của 148 hộ đồng bào Mông trong thôn đổi thay. Người dân Khuổi Nộc một lòng tin tưởng và làm theo Đảng và Nhà nước.

Không riêng Khuổi Nộc, nhiều thôn, xã vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh đã có những bước chuyển mình nhờ phát huy sức mạnh nội lực và nguồn lực hỗ trợ từ cấp trên, trong đó có phần đóng góp của Ban Dân tộc tỉnh. Từ thực tế triển khai cho thấy, các chính sách dân tộc đã tạo điều kiện trực tiếp cho đồng bào DTTS có điều kiện vươn lên ổn định cuộc sống, góp phần tích cực vào công tác xoá đói, giảm nghèo. Các chương trình, chính sách dân tộc đã góp phần tích cực trong việc làm thay đổi diện mạo vùng DTTS&MN, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm 2,76%. Xây dựng nông thôn mới bình quân toàn tỉnh đạt 12,11 tiêu chí/xã, trong đó đạt 19 tiêu chí là 23 xã, đạt từ 15-18 tiêu chí có 02 xã, từ 10-14 tiêu chí 45 xã, 05-09 tiêu chí 25 xã; toàn tỉnh có 01 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 97,8% hộ được sử dụng điện lưới quốc gia.

Có thể khẳng định, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đúng quy định. Chủ động tham mưu ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác dân tộc, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN trên địa bàn tỉnh kịp thời, hiệu quả. Cùng với đó, chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra quá trình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Sự đổi thay trong đời sống của đồng bào các DTTS&MN trên địa bàn tỉnh sẽ là động lực để mỗi cán bộ làm công tác dân tộc nỗ lực hơn nữa trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao./.

Triệu Thị Thu Phương (Trưởng ban Dân tộc tỉnh)

Xem thêm

Video

Đọc báo in