Quang cảnh buổi làm việc. |
Tiếp và làm việc với đoàn công tác có các đồng chí: Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo quán triệt nội dung buổi làm việc. |
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bắc Kạn đã báo cáo với đoàn công tác kết quả thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Báo cáo tóm tắt tình hình thực hiện và việc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư; việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương có nội dung về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. |
Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tỉnh nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Rà soát, đánh giá, kiểm soát chặt chẽ các quy hoạch, dự án phát triển kinh tế-xã hội có tác động đến rừng… Đến nay, Bắc Kạn đã trồng được hơn 101.000ha rừng, tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng từ 300.000-350.000m3/năm.
Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã tổ chức 10 hội nghị tuyên truyền quy định pháp luật bảo vệ rừng; tổ chức 11 cuộc diễn tập phòng, chống cháy rừng. Ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu qua đó nâng cao trách nhiệm trong quản lý, bảo vệ rừng.
Toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.983 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng; lực lượng Công an đã thụ lý, điều tra, xử lý 184 vụ án. Số vụ vi phạm còn cao nhưng tính chất, mức độ các vụ việc đã giảm, chủ yếu là người dân phá rừng tự nhiên sản xuất có trữ lượng thấp để lấy đất sản xuất.
Từ 2017 đến nay, Bắc Kạn có 10 dự án được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng. Kết quả rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch ba loại rừng của tỉnh cho thấy: toàn tỉnh có hơn 417.00ha đất lâm nghiệp, chiếm hơn 85% diện tích tự nhiên, trong đó có hơn 27.000ha rừng đặc dụng, hơn 83.000ha rừng sản xuất.
Tỉnh Bắc Kạn kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Đảng Đoàn Quốc hội xem xét điều chỉnh nội dung tại Chỉ thị số 13-CT/TW “không chuyển diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích sử dụng khác (trừ các dự án phục vụ cho mục đích quốc phòng, an ninh hoặc các dự án đặc biệt, cấp thiết do Chính phủ quyết định) và điều chỉnh Khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 theo hướng mở cho phép các tỉnh có diện tích rừng tự nhiên lớn, độ che phủ rừng cao được thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sản xuất ở mức độ phù hợp và phân cấp thẩm quyền quyết định cho HĐND tỉnh, UBND cấp tỉnh để tạo điều kiện thực hiện các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
Đồng chí Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn đề nghị xem xét có chính sách đặc thù cho các xã ATK; cơ chế cải tạo rừng tự nhiên nghèo kiệt. |
Tỉnh cũng đề nghị Trung ương tăng mức khoán bảo vệ rừng tự nhiên, phòng hộ và rừng sản xuất, đồng thời có chính sách đặc thù với những tỉnh có diện tích đất rừng lớn như Bắc Kạn. Đề nghị Chính phủ sớm thực hiện đầy đủ các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể, thống nhất việc trồng bổ sung, làm giàu rừng tự nhiên để tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên…
Thảo luận tại buổi làm việc, các đại biểu tỉnh Bắc Kạn trình bày nhiều vấn đề thực tiễn với đoàn công tác, như: Đời sống của người dân sinh sống trong vùng lõi Vườn quốc gia rất khó khăn; nhiều diện tích rừng được quy hoạch là rừng tự nhiên nhưng thực chất chỉ là rừng nghèo kiệt cần được quan tâm đưa vào cải tạo, trồng rừng…
Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc trao đổi những nội dung kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn. |
Những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn đã được Đoàn công tác tiếp thu, giải đáp tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi nhận, đánh giá cao những thông tin, báo cáo tỉnh cung cấp. Đây là dữ liệu quan trọng để giúp Ban chỉ đạo có cái nhìn sâu sắc, đánh giá toàn diện trước khi tham mưu sơ kết cho Trung ương xem xét ban hành chỉ thị, nghị quyết mới.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo kết luận buổi làm việc. |
Đồng chí đánh giá, Bắc Kạn đã thực hiện đồng bộ quản lý nhà nước về bảo vệ, phát triển rừng, đúng theo tinh thần Chỉ thị 13. Điều đó thể hiện ở việc Bắc Kạn là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước. Tỉnh đã rà soát chặt chẽ các dự án có tác động đến rừng; đổi mới thu hút đầu tư vào nông, lâm nghiệp đi đôi với trồng rừng gắn với phát triển công nghiệp chế biến gỗ. Có những hình thức, cách làm đa dạng trong bảo vệ rừng gắn với chăm lo đời sống Nhân dân.
Đồng chí đề nghị, trong thời gian tới, Bắc Kạn cần rà soát, bổ sung, ban hành các chương trình, kế hoạch tiếp tục thực hiện Chỉ thị 13; nghiên cứu xây dựng quy hoạch và quản lý quy hoạch bài bản, đồng bộ với quản lý rừng; rà soát các vướng mắc cơ chế để tham mưu, đề xuất giải pháp tháo gỡ; xử lý các vấn đề nóng trong bảo vệ rừng, củng cố, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng gắn với nâng cao chất lượng rừng và đời sống Nhân dân. Có giải pháp căn cơ phát triển kinh tế dưới tán rừng; đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh và lo sinh kế cho người dân. Nâng cao hiệu quả quản lý sử dụng đất đai, làm tốt công tác an sinh xã hội, tạo việc làm nhất là cho người dân sống gần rừng.
Đối với những kiến nghị của tỉnh, đồng chí Trần Tuấn Anh chỉ đạo thành viên Ban chỉ đạo, Tổ biên tập tiếp thu, nghiên cứu kỹ để giúp Ban chỉ đạo có tham mưu chính xác, toàn diện cho Trung ương…
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn phát biểu tại buổi làm việc. |
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cũng như các thành viên Đoàn công tác.
Đồng chí mong muốn Bắc Kạn sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm nhiều hơn nữa của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, giúp tháo gỡ khó khăn cũng như giải quyết các kiến nghị của tỉnh, tạo điều kiện cho người dân trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, sống được từ rừng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh ở địa phương. Đồng chí Bí thư cũng kiến nghị Trung ương quan tâm phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của địa phương; có thêm chính sách phù hợp cho tỉnh có diện tích rừng lớn như Bắc Kạn.
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương tặng Quỹ vì người nghèo tỉnh Bắc Kạn 2 tỷ đồng. |
Dịp này, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương tặng Quỹ vì người nghèo tỉnh Bắc Kạn 2 tỷ đồng.
Trước đó, chiều 22/3, Đoàn công tác đã đi khảo sát công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại huyện Pác Nặm và Ba Bể; sáng 23/3 Đoàn dâng hương và trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Nà Tu, xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông./.
Một số hình ảnh Đoàn công tác tại tỉnh Bắc Kạn:
Lực lượng đoàn viên, thanh niên chào mừng Đoàn công tác tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Đại biểu dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương dâng hương tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương thỉnh chuông đồng tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Đồng chí Hoàng Duy Chinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh thỉnh khánh đồng tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương ghi Sổ vàng truyền thống. |
Đoàn công tác trồng cây lưu niệm tại Khu di tích lịch sử Nà Tu. |
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. |