Đổi thay nhờ xuất khẩu lao động

BBK - Những năm gần đây, nhờ thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động (XKLĐ) thôn Nà Làng, xã Khang Ninh (Ba Bể) từng bước "thay da đổi thịt", đời sống của Nhân dân không ngừng cải thiện, nâng cao.

Thôn đàn ông”...

Không giống như cảnh thường thấy ở nhiều nơi là người phụ nữ trông con, lo việc gia đình, đồng áng còn người đàn ông đi làm ăn xa, ở thôn Nà Làng, nơi có nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động, những người đàn ông ở nhà hết “đổ cày sang bừa” lại lo chu đáo mọi việc chờ ngày cả gia đình cùng đoàn viên, hạnh phúc…

Vợ đi xuất khẩu lao động 6 năm nay, nên mọi việc ở nhà đều do ông Hoàng Văn Thiệp gánh vác

Vợ đi xuất khẩu lao động 6 năm nay, nên mọi việc ở nhà đều do ông Hoàng Văn Thiệp gánh vác

Anh Dương Văn Thánh người dân thôn Nà Làng cho biết: Vợ tôi đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan đến nay đã là năm thứ 6. Trước khi đi, 2 vợ chồng và gia đình cũng đã bàn rất kỹ người nào đi, người nào ở nhà. Cuối cùng, cả gia đình đồng ý cho vợ đi xuất khẩu lao động. Hằng ngày, tôi vừa chăm con, vừa lo việc cấy cày, đồng áng, chăn nuôi… Chúng tôi cùng nhau cố gắng tích lũy được số vốn để sau này đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tương tự như hoàn cảnh của anh Thánh, từ ngày vợ đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan, anh Hoàng Văn Tố ở cùng thôn cũng “một nách 2 con”. Công việc của anh bận rộn từ sáng đến tối khi phải nấu ăn, chăm lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ…Trong thôn có nhiều phụ nữ đi xuất khẩu lao động, chồng ở nhà là bởi làm nông nhiều việc nặng, nếu người vợ một mình cũng không thể cáng đáng hết được.

Anh tâm sự: Hoàn cảnh nhà nông nên phải cố gắng chứ ai chẳng muốn vợ, chồng, con cái quây quần bên nhau. Ở quê không có công việc ổn định, chỉ làm ruộng thì cuộc sống rất khó khăn. Từ ngày vợ tôi đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng cũng gửi về từ 15 - 20 triệu đồng, cùng với số tiền tôi đi làm thuê như phụ xây, khai thác gỗ rừng trồng… thu nhập của gia đình ngày càng ổn định, xây được nhà kiên cố.

Thôn nghèo thay áo mới

Chúng tôi về Nà Làng không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay vùng đất này. Vùng quê nghèo những năm về trước, nay đã có những ngôi nhà cao tầng khang trang, những con đường bê tông sạch đẹp.

Nà Làng giờ đây có nhiều nhà xây và những con đường bê tông sạch đẹp.

Nà Làng giờ đây có nhiều nhà xây và những con đường bê tông sạch đẹp.

Ông Hoàng Văn Thiệp, Bí thư Chi bộ thôn Nà Làng, cho biết: "Thôn có 105 hộ, có đến 80% số hộ có người đi xuất khẩu lao động, chủ yếu sang Nhật Bản, Đài Loan. Ngay như gia đình tôi cũng có vợ đã xuất ngoại làm việc. Nhờ vậy, đời sống gia đình tôi đã được cải thiện. Năm nay, gia đình tôi đang chuẩn bị xây nhà. Số tiền người thân đi lao động nước ngoài gửi về trong 1 tháng bằng số tiền làm ruộng cả năm của gia đình".

Nhà anh Dương Văn Thánh cũng đã có nhiều thay đổi từ khi vợ đi xuất khẩu lao động. Từ nguồn tiền của vợ gửi về đã giúp gia đình anh cải thiện đời sống, có "của ăn, của để”, vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá giả ở thôn. Năm 2021, gia đình anh đã xây được căn nhà khang trang trị giá 800 triệu đồng. Từ xuất khẩu lao động, Nà Làng từ thôn nghèo đến nay qua rà soát, toàn thôn chỉ còn 2 hộ nghèo và 4 hộ cận nghèo, là thôn có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất so với các thôn trong xã Khang Ninh.

Rời thôn Nà Làng trong buổi chiều muộn trên con đường bê tông sạch đẹp, khói lam chiều bảng lảng trên nhiều nóc nhà, bắt gặp cảnh những người đàn ông hối hả đón con đi học về, vội vã thổi lửa nấu cơm rồi dạy con học bài... Dù vất vả nhưng trên gương mặt họ vẫn luôn ánh lên vẻ rạng rỡ. Những người đàn ông ấy đang nỗ lực cùng một nửa của mình chăm sóc gia đình, xây đắp cho tương lai tươi sáng mai sau./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in