Doanh nghiệp gỗ tìm hướng mở rộng sản xuất kinh doanh

BBK - Vượt qua khó khăn nhất là sự bấp bênh của thị trường tiêu thụ, xuất khẩu, bước sang năm 2024 các doanh nghiệp ngành gỗ Bắc Kạn kiên cường bám trụ, chủ động xoay xở tìm lối đi cho riêng mình, mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển đa dạng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Những ngày đầu năm 2024, hơn 60 công nhân của Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ Bắc Kạn đang tất bật hoàn tất các lô hàng thìa, đũa gỗ xuất khẩu sang Ba Lan, Úc và Philippines. Ông Trịnh Đức Kiên đại diện Chi nhánh công ty cho biết để mở rộng sản xuất hiện nay đơn vị đang làm thủ tục xin tỉnh cấp thêm 1ha đất trong Khu công nghiệp Thanh Bình để xây thêm nhà xưởng, dây chuyền sản xuất vì diện tích nhà xưởng hiện nay chỉ có 2.000m2 rất khó khăn trong mở rộng quy mô sản xuất.

Năm 2024, Công ty đề ra mục tiêu nâng sản lượng từ 8 triệu sản phẩm lên 15 triệu sản phẩm/tháng. Để nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, năm 2024 Công ty tập trung nguồn lực phối hợp với chính quyền địa phương và người dân hoàn thiện các thủ tục về cấp chứng chỉ FSC, chứng chỉ rừng bền vững cho khoảng 2.000ha rừng trồng tại 02 huyện Chợ Đồn và Bạch Thông.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tuyến Hương chuẩn bị hàng hoá cung cấp cho thị trường.

Công nhân Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tuyến Hương chuẩn bị hàng hoá cung cấp cho thị trường.

Cũng nằm trong Khu công nghiệp Thanh Bình, Công ty Cổ phần đầu tư Govina vừa được tỉnh chấp nhận chủ trương đầu tư và cấp phép xây dựng nhà xưởng trên diện tích 1ha để triển khai dây chuyền sản xuất viên gỗ nén song song với dây chuyền sản xuất ván ép đã hoạt động trước đó. Tổng mức đầu tư của dây chuyền này khoảng trên 80 tỷ đồng.

Còn đối với Công ty TNHH sản xuất và thương mại Tuyến Hương tại xã Quang Thuận (Bạch Thông) các công nhân cũng đang khẩn trương hoàn thiện những lô hàng gỗ ván bóc để cung cấp cho thị trường trong nước. Anh Lê Tuyến, Giám đốc Công ty cho biết, năm nay Công ty duy trì sản xuất, tạo việc làm cho khoảng 20 lao động với mức bình quân 7-8 triệu đồng/tháng. Sản lượng trung bình 5.000m3 gỗ ván ép/năm. Việc mở rộng nhà xưởng ở đây khó khăn do không có quỹ đất, nhưng nếu các cụm công nghiệp của tỉnh mặt bằng thuận lợi công ty cũng sẽ tính toán đầu tư mở rộng sản xuất tại đó.

Công nhân Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới) tập trung sản xuất các lô hàng xuất khẩu.

Công nhân Chi nhánh Công ty TNHH Kẻ gỗ tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới) tập trung sản xuất các lô hàng xuất khẩu.

Lợi thế của Bắc Kạn là diện tích đất lâm nghiệp có hơn 413.000ha, chiếm 85% tổng diện tích đất tự nhiên. Trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng hơn 372.000ha, rừng tự nhiên khoảng 272.000ha và rừng trồng hơn 100.000ha, sản lượng gỗ khai thác đạt hơn 305.000m3.

Tỉnh nỗ lực thực hiện xây dựng Bắc Kạn trở thành “Trung tâm sản xuất, chế biến gỗ của vùng trung du miền núi Bắc Bộ”. Từ chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi, thu hút đầu tư cũng như tiềm năng của ngành chế biến gỗ, trong thời gian qua đã có nhiều doanh nghiệp đến đầu tư kinh doanh tại Bắc Kạn.

Theo Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có gần 270 cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, chủ yếu là sản xuất ván bóc, dăm, ván dán, đũa gỗ, hạt gỗ. Trong đó, chỉ có 8 cơ sở chế biến gỗ có quy mô lớn và được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án, chủ yếu là cơ sở hoạt động sản xuất tại KCN Thanh Bình. Còn lại các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sản xuất đồ mộc gia dụng phục vụ nhu cầu của Nhân dân địa bàn tỉnh, đặc biệt có đến 158 cơ sở là sản xuất ván bóc (ván mỏng), dăm gỗ là sản phẩm sơ chế, nguyên liệu gỗ phục vụ sản xuất ván dán, ván dăm. Hiện, các nhà máy đi vào hoạt động ổn định, sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt trong và ngoài nước. Đặc biệt, một số sản phẩm như ván dán, dao, thìa, dĩa gỗ, đũa gỗ chủ yếu xuất khẩu ra thị trường nước ngoài như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Malaysia...

Trong Đề án phát triển công nghiệp tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu sản lượng sản phẩm chế biến lâm sản đạt 250.000m3/năm vào năm 2025 và đạt 300.000m3/năm vào năm 2030. Việc các doanh nghiệp chế biến gỗ khắc phục khó khăn tập trung đầu tư mở rộng sản xuất sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Xem thêm

Video

Đọc báo in