Mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng là một trong 04 mô hình nòng cốt của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025. Mô hình do UBND cấp xã thành lập, quản lý, gồm các thành viên là những cá nhân có uy tín cao trong cộng đồng như Bí thư chi bộ, trưởng thôn, công an viên, người dân...
Thành viên tham gia mô hình sẽ có trách nhiệm tích cực tuyên truyền, vận động người dân trong cộng đồng về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) và hôn nhân gia đình; hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân bị BLGĐ có chỗ tạm lánh, tạm trú, tránh rủi ro về sức khỏe, tính mạng, giảm thiểu các hậu quả của BLGĐ gây ra…
Bên cạnh đó, mô hình sẽ hỗ trợ nạn nhân được chăm sóc y tế, thức ăn, nước uống, tham vấn tâm lý, trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, tình huống, là nơi hòa giải, giúp nạn nhân hàn gắn gia đình sau mâu thuẫn. Đối với trường hợp hòa giải không thành công, các thành viên trong Ban quản lý mô hình “Địa chỉ tin cậy” sẽ tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý để giải quyết, giúp nạn nhân tránh khỏi BLGĐ.
Từ mô hình điểm do Hội LHPN tỉnh trực tiếp chỉ đạo, thành lập tại thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông, đến nay các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phối hợp thành lập được 40 mô hình “Địa chỉ tin cậy”.
Vì không có kinh phí xây dựng nhà tạm lánh, do đó mô hình được bố trí tại nhà bí thư chi bộ, trưởng thôn, chi hội trưởng phụ nữ, trạm y tế… nhiều chị em khi được tuyên truyền về lợi ích của mô hình đã tích cực tham gia đóng góp vật dụng, đồng thời giới thiệu rộng rãi trên nhóm Zalo của các thôn để không chỉ chị em phụ nữ mà những người chồng cũng biết để hiểu hơn về lợi ích của mô hình.
Thôn Cây Thị, xã Mỹ Thanh, huyện Bạch Thông hiện vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, nguyên nhân chủ yếu do nam giới rượu chè… Ông Đàm Văn Trung, Bí thư Chi bộ chia sẻ: Các nạn nhân bị bạo lực gia đình thường có tâm lý che giấu, ngại chia sẻ nhưng các thành viên mô hình đã luôn nhiệt tình, trách nhiệm đến tận nhà tuyên truyền, vận động nhằm hạn chế tối đa những mâu thuẫn dẫn đến bạo lực gia đình… có thể nói, mô hình “Địa chỉ tin cậy” được thành lập đang ngày càng phát huy hiệu quả trong việc hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả mô hình “Địa chỉ tin cậy”, thời gian tới các cấp Hội Phụ nữ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể trong việc tuyên truyền, tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, bình đẳng giới; giới thiệu việc làm và hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân để giúp họ nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình; tăng cường công tác nắm bắt, quản lý địa bàn, quản lý các trường hợp có nguy cơ bị bạo lực để chủ động tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ, xác định phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các trường hợp bạo lực. Với những hoạt động thiết thực, mô hình “Địa chỉ tin cậy” cộng đồng đang góp phần tích cực vào chương trình phòng chống bạo lực gia đình, vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ./.