Đèo Gió - biến vùng đất khó thành lợi thế làm giàu

BBK - Đèo Gió nằm trên tuyến QL3 nối Bắc Kạn - Cao Bằng, ở giữa hai thị trấn Nà Phặc và Vân Tùng (Ngân Sơn). Điều kiện khí hậu nơi đây khá khắc nghiệt, mùa hè mưa nhiều, mùa đông nhiệt độ có lúc xuống đến 1 - 2 độ C, sương mù dày đặc... vậy nhưng người dân địa phương lại biết cách khai thác để làm du lịch.
Người dân Đèo Gió phát triển dịch vụ thương mại với 30 hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của du khách.

Người dân Đèo Gió phát triển dịch vụ thương mại với 30 hộ kinh doanh, đáp ứng nhu cầu dừng nghỉ của du khách.

Tiểu khu Đèo Gió trước kia là một trong những vùng khó khăn của thị trấn Vân Tùng, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trước những thách thức khắc nghiệt về khí hậu, người dân nơi đây đã được cấp ủy, chính quyền địa phương hỗ trợ, định hướng về cây trồng, vật nuôi để phát triển kinh tế. Theo đó, bà con trồng những loại cây như đào, lê, thuốc lá, cây dược liệu và chăn nuôi ngựa bạch, lợn.

Đèo Gió hiện có 112 hộ, với 05 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó chủ yếu là người Dao, người Tày và người Kinh… Với quyết tâm làm giàu trên chính vùng đất khó, nhận thấy tuyến QL3 nối Cao Bằng - Bắc Kạn mỗi ngày có hàng nghìn lượt phương tiện vận tải hàng hóa và hành khách qua lại, bà con đã phát triển dịch vụ dừng nghỉ ăn uống và bán nông thổ sản.

Cây lê ra quả trái vụ giúp người dân được thu hoạch 02 lần/năm.

Cây lê ra quả trái vụ giúp người dân được thu hoạch 02 lần/năm.

Ban đầu tại đỉnh Đèo Gió chỉ có một vài hộ mở cửa hàng kinh doanh nước giải khát và ăn uống. Sau một thời gian, ngày càng có đông khách chọn nơi này làm điểm dừng nghỉ, số hộ kinh doanh cũng tăng theo, nay lên đến vài chục hộ. Du khách đi Cao Bằng cũng chọn Đèo Gió làm điểm dừng chân, săn mây, chụp ảnh kỷ niệm, mua sản vật địa phương về làm quà. Việc kinh doanh của người dân ngày càng thuận lợi và phát triển.

Đào là một trong những cây trồng thế mạnh, thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt tại Đèo Gió.

Đào là một trong những cây trồng thế mạnh, thích nghi được với khí hậu khắc nghiệt tại Đèo Gió.

Khí hậu Đèo Gió khắc nghiệt là thế nhưng lại rất thích hợp với nhiều loại cây ăn quả như đào, lê. Hiện nay tiểu khu có 5ha lê và hơn 10ha đào, với nhiều giống như đào phai, bích đào, bạch đào, đào cổ... Bén rễ tại vùng này từ vài chục năm trước, ban đầu người dân trồng đào để lấy quả và chơi hoa ngày tết. Do hợp khí hậu thổ nhưỡng nên hoa đào ở đây cánh dày và màu sắc rất đẹp, được người chơi hoa ưa chuộng.

Trồng đào đã trở thành nghề mang lại giá trị kinh tế cao. Một cây đào khoảng hai năm tuổi để trưng Tết có giá dao động từ 200.000 đến 400.000 đồng. Những cây đào cổ hàng chục năm tuổi có giá lên tới hàng chục triệu đồng. Không chỉ bán cây, người trồng đào ở đây còn bán gốc đào, cành đào vào dịp cuối năm. Hầu hết gốc đào to được các nhà vườn ở Hưng Yên, Hà Nội, Thái Nguyên mua về tạo dáng bán với giá cao gấp nhiều lần so với lúc mua. Một trong nhiều lý do nhà vườn chọn mua gốc đào ở Đèo Gió vì gốc rất khỏe để nhận các mắt ghép khác.

Thương lái ở Vĩnh Phúc lên Đèo Gió mua đào, lê mang về bán.

Thương lái ở Vĩnh Phúc lên Đèo Gió mua đào, lê mang về bán.

Tiểu khu trưởng Đèo Gió, ông Hoàng Văn Slín cho hay: "Thôn có 112 hộ, 446 nhân khẩu nhưng hiện chỉ còn 12 hộ nghèo. Cứ thuận lợi như thế này, chắc tới đây không còn hộ nghèo nữa. Ở đây cây quả và con gì cũng đều bán được tiền hết, chúng tôi làm không đủ bán. Hiện nay bắt đầu vào mùa bán đào cảnh, cây nào không bán cành hoặc gốc thì lại cho thu hoạch quả với giá 30.000 - 50.000/kg.

Cây lê trồng ở đây cũng ra quả hai vụ. Nhà trưởng tiểu khu Hoàng Văn Slín có gần 2ha lê, mỗi vụ cho thu khoảng 2 tấn quả, giá bán từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg. Ngoài chính vụ vào tháng 4, tháng 5 thì cây lê ở đây còn cho quả vào tháng 11. Lê trái vụ cho năng suất bằng một nửa so với chính vụ, nhưng vẫn mang lại giá trị kinh tế khá.

Bên cạnh trồng trọt, bà con Đèo Gió còn nuôi ngựa với tổng đàn 90 con ngựa bạch lẫn ngựa thường. Giá mỗi con ngựa bạch hai năm tuổi đạt khoảng 50 triệu đồng, đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.

Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại tiểu khu Đèo Gió.

Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh Bắc Kạn đang triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng tại tiểu khu Đèo Gió.

Đỉnh Đèo Gió hiện nay đã trở thành một "trung tâm văn hóa, thương mại" thứ hai của thị trấn Vân Tùng. Hầu hết các dịch vụ tiện ích đều có tại đây. Nhận thức của người dân thay đổi từng ngày, biến những khó khăn, thách thức thành lợi thế. Cuộc sống đổi thay nhưng những nét bản văn hóa luôn được duy trì và phát triển. Cộng đồng người Dao Tiền ở đây hiện có khoảng 60 hộ, sinh sống dọc theo tuyến Quốc lộ 3 dài khoảng 3km.

Người Dao ở Đèo Gió vẫn giữ được nhiều phong tục tập quán trước đây, từ các nghi lễ vòng đời như cưới hỏi, ma chay đến nghi lễ cấp sắc vẫn được duy trì trong cộng đồng. Nơi đây còn một nghệ nhân giữ nghề chạm bạc. Phụ nữ Dao ở Đèo Gió vẫn duy trì trang phục truyền thống, hầu hết nữ trung niên đều biết thêu thùa may vá. Hiện nay tiểu khu Đèo Gió dần hình thành điểm du lịch cộng cộng đồng với nhiều nét độc đáo, hấp dẫn du khách dừng chân trải nghiệm./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in