Đồng chí Đỗ Xuân Việt, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ trì hội nghị. |
Thời gian qua việc hỗ trợ cho người dân có gia súc, gia cầm buộc tiêu hủy đã được các địa phương triển khai hỗ trợ kịp thời, đúng quy định. Việc hỗ trợ đã giúp người dân nhanh tái đàn, phục hồi sản xuất. Tuy nhiên nguồn lực cho công tác phòng chống dịch còn hạn chế, vượt quá khả năng của địa phương, phải nhờ đến sự hỗ trợ từ Trung ương. Cán bộ chuyên môn thiếu, cả tỉnh có 07 xã chưa kiện toàn được nhân viên thú y cấp xã, nhiều cán bộ thú y phải kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc triển khai phòng, chống dịch bệnh, tiêm phòng vắc xin.
Hội nghị đã nghe phổ biến, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng chống dịch bệnh động vật trong thời gian tới, thảo luận xin ý kiến các đại biểu đóng góp vào các quy định hỗ trợ như: Đối tượng; điều kiện; mức hỗ trợ cho chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải, sản và người tham gia phòng, chống dịch bệnh; trình tự, thủ tục, thời gian thực hiện hỗ trợ.
Tham gia đóng góp vào các cơ chế, chính sách, một số đơn vị đề nghị cần bổ sung, sửa đổi như: Đối với gia súc cần tách riêng hỗ trợ lợn thịt, lợn sinh sản; gia cầm tính theo kilôgam thay vì tính con như hiện nay. Đề nghị hỗ trợ phơi nhiễm cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch khi bị rủi ro từ động vật sang người; tăng mức phụ cấp cho lực lượng thú y viên; cần có quy định hỗ trợ theo vùng, giữa các thôn, xã đặc biệt khó khăn và thôn vùng thấp để nâng cao tinh thần trách nhiệm thú y viên khi làm nhiệm vụ…
Tháng 6/2023 Chính phủ đã ban hành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật. Tuy nhiên dự thảo vẫn phải chờ các ý kiến đóng góp từ các địa phương, bộ, ngành Trung ương. Các ý kiến đóng góp tại Hội nghị lần này sẽ được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, tiếp thu, đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.