Đề phòng sạt lở đất, đá trong mùa mưa

BBK - Hiện nay đang bước vào cao điểm của mùa mưa, người dân sinh sống gần khu vực đồi núi cần nâng cao cảnh giác, không chủ quan, lơ là với nguy cơ sạt lở đất, đá.

nha cua.jpg
Nhà của một số hộ dân thôn Khuổi Đeng 2 nằm ở gần vách núi.

Có nhà cách sườn núi đá chỉ vài chục mét, hơn 30 năm nay, anh Triệu Nguyên Lưu, ở thôn Khuổi Đeng 2, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới và gia đình luôn sống trong tình trạng bất an mỗi khi bước vào mùa mưa.

Theo anh Lưu, gần nơi gia đình sinh sống trước đây từng có đá lăn xuống, dù chưa có thiệt hại nhưng mối nguy tiềm tàng rất cao. Mong mỏi của anh và các hộ dân là muốn được Nhà nước hỗ trợ đất ở, bố trí khu tái định cư phù hợp để bà con có nơi ở an toàn. Qua quan sát cho thấy, ngôi nhà anh Lưu và một số hộ dân lân cận chỉ cách vách núi đá vài chục mét.

Xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới là địa phương có nhiều điểm nguy cơ sạt lở cao vì địa hình nhiều núi đá. Trên đoạn đường từ ngã ba Thác Giềng (phường Xuất Hóa, TP. Bắc Kạn) đến trung tâm xã, một bên là ta-luy dương chỉ toàn núi đá, một bên là khe suối. Vào mùa mưa người dân rất ái ngại chuyện đi lại vì lo sợ đá lăn. Tuy nhiên đây là con đường độc đạo vào xã nên bà con không còn sự lựa chọn nào khác.

sạt lơ.jpg
Nhiều hộ dân tổ 16, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

Những ngày gần đây, thời tiết mưa nhiều, mưa dài ngày khiến đất đá liên kết yếu. Hơn nữa địa hình tỉnh Bắc Kạn phần lớn là đồi cao, núi đá, nhiều khu vực, vị trí nhà cửa của các hộ dân làm ở chân ta luy dương, chân núi đá. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ vừa được nâng cấp, cải tạo; một số công trình hạ tầng thi công những năm gần đây cũng tác động vào kết cấu địa hình, khiến tình trạng sạt lở gia tăng.

Vào mùa mưa năm nay, dự báo thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp. Hai tháng qua, các đợt dông lốc liên tiếp xảy ra đã khiến hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. Nhiều công trình hạ tầng, tài sản, cây cối, hoa màu bị hư hỏng, gãy đổ, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Đối với tình trạng sạt lở đất đá, mặc dù số lượng, khối lượng xảy ra chưa lớn nhưng thời gian tới nếu mưa kéo dài thì tiềm ẩn nguy cơ cao, nhất là tại quốc lộ 3B, QL3 mới, tỉnh lộ 258, đường huyện, xã... Thậm chí sạt lở đá còn xảy ra ngay cả khi trời không mưa, như ở xã Nam Cường, cách đây hơn 1 năm, khiến người qua đường hốt hoảng.

tan.jpg
Đường vào xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới một bên là núi đá cao

"Toàn tỉnh Bắc Kạn có 384 điểm với khoảng 1.900 hộ có nguy cơ sạt lở đất đá. Trong đó huyện Ba Bể 310 hộ, Chợ Đồn 276 hộ, Chợ Mới hơn 300 hộ, Pác Nặm hơn 370 hộ, Na Rì 284 hộ, Bạch Thông 155 hộ, thành phố Bắc Kạn có 198 hộ".

Ông Nguyễn Trọng Uyên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Các địa phương đã tiến hành thăm nắm, rà soát, đánh giá các điểm có nguy cơ sạt lở cao. Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho tỉnh nhiều văn bản đối phó với các loại hình thiên tai; chỉ đạo lực lượng xung kích PCTT cấp xã thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, lắp đặt biển báo người dân không qua lại hoặc có phương án di dời đến vùng an toàn khi dự báo mưa lớn trong khu vực. Lực lượng xung kích phòng chống thiên tai, chính quyền địa phương (đặc biệt là cấp xã, thôn, bản) đi đến từng nhà hướng dẫn, tuyên truyền và vận động bà con tránh khu vực có nguy cơ sạt lở cao. Khi dự báo có mưa, lũ... cần phát thanh trên loa công cộng đến người dân trong vùng biết. Tập huấn, diễn tập, bố trí nguồn lực và chủ động thực hiện phương châm "4 tại chỗ" theo các kịch bản phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in