Từ khi Chi bộ Chí Kiên – chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh ra đời năm 1943, Bắc Kạn đã chứng kiến những bước ngoặt lịch sử quan trọng. Ngọn đuốc cách mạng được thắp sáng tại Bản Duồm (xã Thượng Ân, châu Ngân Sơn) không chỉ dẫn đường cho phong trào cách mạng của tỉnh, mà còn góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, với dấu mốc Bắc Kạn được giải phóng hoàn toàn vào ngày 24/8/1949.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, dù trong thời kỳ chiến tranh hay những năm đầu tái lập tỉnh (1997), Bắc Kạn luôn đối mặt với muôn vàn khó khăn: Tỷ lệ hộ nghèo lớn, kinh tế phụ thuộc nông nghiệp tự cung tự cấp, cơ sở hạ tầng yếu kém… Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, Bắc Kạn không ngừng vượt khó, từng bước chuyển mình.
Qua 12 kỳ Đại hội, những định hướng chiến lược như phát triển kinh tế rừng, phát triển nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh du lịch và khai thác tiềm năng địa phương đã tạo nền tảng cho sự đổi mới. Cùng với đó, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã kiên định, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vào điều kiện cụ thể của tỉnh; nâng cao năng lực dự báo trong hoạch định chủ trương, đường lối phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; lãnh đạo, chỉ đạo, xử lý những vấn đề mới, phức tạp nảy sinh, giữ vững ổn định tình hình; chủ động đấu tranh ngăn chặn, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên…
Nhờ đó, sau hơn hai thập kỷ nỗ lực, từ một tỉnh nghèo, Bắc Kạn đã vươn lên trở thành tỉnh phát triển trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc. Nền kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, giảm dần sự phụ thuộc vào nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và du lịch. Các sản phẩm đặc trưng như chè Shan tuyết, miến dong, gỗ và dược liệu, sản phẩm du lịch…, không chỉ góp phần ổn định kinh tế địa phương mà còn khẳng định thương hiệu trên thị trường cả nước. Văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, với việc bảo tồn bản sắc dân tộc, cải thiện giáo dục, y tế, nâng cao chất lượng sống của người dân. Năm 2024, Bắc Kạn đạt tăng trưởng GDP 7,4%, mức tăng cao nhất trong 11 năm qua với 23/28 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch. Bước sang năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8,5%, phấn đấu tăng trưởng hai con số trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 62,8 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 1.135 tỷ đồng; hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh…
Với những thành tựu đã tích lũy, Bắc Kạn đang có những bước đi vững chắc hơn bao giờ hết. Dưới sự dẫn dắt của Đảng bộ, tỉnh tiếp tục lấy nội lực Nhân dân làm nền tảng, kết hợp với khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là đột phá, thực hiện sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao hiệu năng, hiệu quả hoạt động…, phấn đấu thực hiện mục tiêu đến hết năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển trung bình khá, bền vững của vùng; tầm nhìn đến năm 2025, có nền kinh tế năng động, phát triển khá so với các địa phương khác trong cả nước.
Với sự đồng lòng của toàn Đảng, toàn dân, Bắc Kạn tự tin sánh vai cùng các địa phương khác, góp phần hiện thực hóa khát vọng tiến vào kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam./.