Luật Công chứng (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này để thay thế cho Luật Công chứng năm 2014, nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng; khắc phục những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới của hoạt động công chứng theo chủ trương xã hội hóa, nâng cao chất lượng và tính bền vững của hoạt động công chứng, từng bước phát triển nghề công chứng Việt Nam phù hợp với thông lệ quốc tế.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh đã thảo luận, góp ý đối với các nội dung cụ thể của dự thảo Luật như sau:
* Về miễn nhiệm công chứng viên
Tại điểm a khoản 2 Điều 14 dự thảo quy định về trường hợp công chứng viên sẽ bị miễn nhiệm khi đã quá 70 tuổi mà không đề nghị được miễn nhiệm hoặc không còn đủ các tiêu chuẩn khác quy định tại Điều 8 của Luật này.
Quy định này chưa được đầy đủ, toàn diện và chặt chẽ, cũng như thống nhất ngay trong dự thảo Luật, vì tại khoản 5 Điều 78 dự thảo có quy định chuyển tiếp đối với trường hợp công chứng viên hành nghề khi đã ngoài 70 tuổi, cụ thể: “Công chứng viên trên 70 tuổi đang hành nghề công chứng tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục hành nghề công chứng trong thời hạn tối đa là 02 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; công chứng viên từ 68 đến 70 tuổi tại thời điểm Luật này có hiệu lực thi hành thì được hành nghề công chứng đến khi tròn 72 tuổi. Khi hết thời hạn nêu trên, việc miễn nhiệm công chứng viên được thực hiện theo quy định tại Điều 14 của Luật này”. Do đó, đề nghị bổ sung trường hợp ngoại lệ này vào khoản 2 Điều 14 dự thảo để quy định rõ ràng, đảm bảo thống nhất, chặt chẽ.
Tại khoản 2 Điều 14 dự thảo quy định về các trường hợp công chứng viên bị miễn nhiệm, và để thực hiện việc miễn nhiệm thì tại khoản 4 quy định trách nhiệm của Sở Tư pháp phải rà soát, kiểm tra việc bảo đảm tiêu chuẩn hành nghề của công chứng viên tại địa phương mình. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có căn cứ cho rằng công chứng viên thuộc trường hợp bị miễn nhiệm quy định tại khoản 2 Điều này, Sở Tư pháp có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn nhiệm công chứng viên, kèm theo các tài liệu liên quan làm căn cứ cho việc đề nghị miễn nhiệm. Tuy nhiên, tại khoản 5 cũng trao nhiệm vụ, thẩm quyền này cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với công chứng viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Quy định này là chưa hợp lý, việc quy định cả hai cơ quan cùng thực hiện sẽ không rõ ràng, cụ thể về trách nhiệm và có thể dẫn đến việc thực hiện không thống nhất trong từng trường hợp (ví dụ cùng thuộc một căn cứ miễn nhiệm, nhưng đối với công chứng viên của tỉnh này thì do Sở Tư pháp đề nghị miễn nhiệm, nhưng công chứng viên của tỉnh khác lại do Bộ trưởng Bộ Tư pháp tự xem xét, quyết định miễn nhiệm).
Ngoài ra, Bộ Tư pháp là cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về công chứng trên phạm vi cả nước, phạm vi rất rộng. Sở Tư pháp thực hiện quản lý nhà nước về công chứng tại địa phương, phạm vi cụ thể. Nên khi công chứng viên thuộc các trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định thì Sở Tư pháp là cơ quan có thông tin dễ dàng và đầy đủ, kịp thời hơn (như thông tin về việc điều động, luân chuyển; việc xử phạt vi phạm hành chính,xử lý kỷ luật,không hành nghề công chứng liên tục từ 12 tháng trở lên...). Nếu không có đề nghị từ địa phương mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thông tin và tự mình xem xét, quyết định việc miễn nhiệm đối với công chứng viên thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 là khó thực hiện và chưa đảm bảo tính khả thi. Bên cạnh đó, việc quy định “tự mình xem xét, quyết định” cũng chưa rõ ràng, cụ thể về thời gian tự xem xét việc miễn nhiệm công chứng viên là bao lâu kể từ khi có căn cứ, thuộc trường hợp miễn nhiệm.
Do đó, đề nghị cân nhắc quy định đảm bảo hợp lý, khả thi, thống nhất cơ quan thực hiện.
* Về nghĩa vụ của công chứng viên
Tại khoản 2 Điều 16 quy định về các nghĩa vụ của công chứng viên (với 11 nhóm nghĩa vụ), tuy nhiên chưa có quy định về nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong hoạt động công chứng được quy định tại Điều 37 dự thảo Luật, theo đó: “... trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã giải thể, chấm dứt hoạt động thì công chứng viên, nhân viên trực tiếp gây thiệt hại phải tự mình bồi thường thiệt hại, kể cả trường hợp người đó không còn là công chứng viên hoặc nhân viên của một tổ chức hành nghề công chứng...”.
Để quy định được chặt chẽ, thống nhất, rõ nghĩa vụ của công chứng viên, đảm bảo đầy đủ cơ sở trong quá trình thực hiện, đề nghị bổ sung vào khoản 2 Điều 16 dự thảo về nghĩa vụ của công chứng viên “bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 37 của Luật này”.
* Vềcông chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch
Khoản 2 Điều 50 dự thảo Luật quy định: “Việc công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ giao dịch đã được công chứng do công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng đó tiến hành; trường hợp tổ chức hành nghề công chứng nơi đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện”.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định liên quan trong dự thảo tại khoản 3 Điều 55 về công chứng di chúc thấy còn có sự chưa thống nhất, theo đó: “Di chúc đã được công chứng nhưng sau đó người lập di chúc muốn sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc thì có thể yêu cầu công chứng viên của bất kỳ tổ chức hành nghề công chứng nào công chứng việc sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ đó. Trường hợp di chúc trước đó đang được lưu giữ tại một tổ chức hành nghề công chứng thì người lập di chúc phải thông báo cho tổ chức hành nghề công chứng đang lưu giữ di chúc biết việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc đó”. Để quy định thống nhất, đề nghị bổ sung trường hợp ngoại lệ về sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ di chúc vào khoản 2 Điều 50 dự thảo.
* Về hiệu lực của văn bản công chứng
Liên quan đến hiệu lực của văn bản công chứng, khoản 1 Điều 5 dự thảo Luật quy định: “1. Văn bản công chứng có hiệu lực kể từ thời điểm được công chứng viên ký tên và tổ chức hành nghề công chứng đóng dấu vào văn bản”.
Đối với văn bản công chứng điện tử, khoản 2 Điều 61 dự thảo Luật quy định: “2. Văn bản công chứng điện tử có hiệu lực từ thời điểm được ký bằng chữ ký số công chứng viên và chữ ký số của tổ chức hành nghề công chứng”.
Tuy nhiên, đối chiếu với quy định Bộ luật Dân sự thấy bất cập, chưa thống nhất về hiệu lực đối với trường hợp công chứng bản di chúc, cụ thể: Khoản 1 Điều 643 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hiệu lực của di chúc như sau: “1. Di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế” và khoản 1 Điều 611 Bộ luật Dân sự quy định: “1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”. Do đó, đề nghị nghiên cứu, chỉnh sửa quy định về hiệu lực của văn bản công chứng trong dự thảo đảm bảo đầy đủ, phù hợp, thống nhất với quy định pháp luật liên quan.
Theo Chương trình xây dựng luật, Dự án Luật Công chứng (sửa đổi) sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận và xem xét thông tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024)./.