Đại biểu Nguyễn Thị Huế quan tâm đến chính sách trợ cấp hưu trí xã hội và độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. |
Tại phiên thảo luận, quan tâm tới quy định chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Huế, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, quy định giữa Điều 20 về đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội và Điều 21 về điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí dự thảo Luật đang có sự mâu thuẫn, gây khó hiểu trong quá trình thực thi, mà thực chất đây là chính sách trợ cấp cho người cao tuổi chưa được hưởng bất kỳ một chế độ nào. Để dễ hiểu và thuận lợi cho quá trình thực hiện, đại biểu đề nghị gộp quy định tại Điều 20 và Điều 21 thành một điều chung là đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và sửa lại thành: Đối tượng áp dụng trợ cấp hưu trí xã hội là công dân Việt Nam đủ 75 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khác theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu đề nghị, cần xem xét lại nội dung quy định tại điểm b khoản 1 Điều 22 dự thảo Luật: “Tùy thuộc điều kiện kinh tế - xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp các nguồn lực địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội”. Theo đại biểu, quy định như vậy sẽ có độ mở để các địa phương chủ động trong việc cân đối, bố trí thêm kinh phí để thực hiện chính sách này, phù hợp với các địa phương cân đối được nguồn thu chi và kết dư ngân sách, tuy nhiên sẽ rất khó khăn đối với các tỉnh có nguồn thu ngân sách hạn hẹp, có thể dẫn tới việc so sánh giữa người dân tỉnh này với tỉnh khác, những người trẻ của địa phương khó khăn sẽ tìm kiếm cơ hội ở những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển và không trở về nơi mình sinh ra để xây dựng quê hương. Về lâu dài thì sự chênh lệch về sự phát triển đặc biệt là nguồn lực con người giữa các địa phương ngày càng lớn, do đó trong các chính sách đề nghị Chính phủ cần cân nhắc thêm.
Từ kiến nghị của cử tri qua các cuộc tiếp xúc tại địa phương, đại biểu đã có những phân tích cụ thể về những khó khăn, vướng mắc và tính chất đặc thù của giáo viên mầm non. Theo đó đại biểu Huế cho rằng, việc quy định độ tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi quy định chung là phù hợp, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, xem xét đối với vấn đề này.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đề nghị cần rà soát các quy định để đảm bảo tính thống nhất, tránh xung đột. |
Cùng quan tâm đến dự thảo Luật này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần rà soát giữa quy định của dự thảo Luật với quy định pháp luật hiện hành về hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội để đảm bảo tính thống nhất.
Đại biểu đề nghị cần cân nhắc quy định về hành vi trốn đóng bảo hiểm xã hội tại điểm c khoản 2 Điều 36 để đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự để tránh xung đột. Bên cạnh đó, cần rà soát quy định về hoãn xuất cảnh quy định tại Điều 37 dự thảo Luật với quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự để đảm bảo tính thống nhất. Theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự, Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự thì người nào có hành vi trốn đóng từ 6 tháng trở lên kèm theo một số dấu hiệu khác là cấu thành tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, tuy nhiên tại khoản 3 Điều 37 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định theo hướng đối tượng trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng thì mới áp dụng biện pháp hoãn xuất cảnh.
Về quyền khởi kiện của Công đoàn được quy định tại Điều 13 dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, nếu chỉ sửa đổi quy định Điều 13 về nội dung này sẽ không giải quyết được vướng mắc, bất cập hiện nay. Theo quy định hiện hành, quyền khởi kiện của Công đoàn đang chịu sự ràng buộc của bốn đạo luật: Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Lao động. Tuy nhiên các quy định chưa có sự thống nhất về quyền và trách nhiệm khởi kiện của tổ chức Công đoàn. Bên cạnh đó thủ tục thực hiện quyền khởi kiện của Công đoàn cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc… Theo đó, đại biểu đề nghị xem xét sửa Điều 13 dự thảo Luật, đồng thời bổ sung vào Điều 135 dự thảo Luật nội dung sửa đổi Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Công đoàn về vấn đề này theo hướng: Đề nghị giao Công đoàn các cấp có quyền ra khởi kiện, chứ không phải chỉ công đoàn cấp cơ sở như hiện nay và nếu Công đoàn đã đứng ra khởi kiện thì không cần ủy quyền của người lao động.
Theo chương trình, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) sẽ được Quốc hội tiếp tục cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp tiếp theo./.