Tham gia chất vấn, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn nêu câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ về giải pháp tháo gỡ khó khăn sau sắp xếp đơn vị hành chính. Đại biểu nêu rõ: Theo Báo cáo số 305 của Chính phủ, sau 04 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đối với từng đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có hiệu lực thi hành thì vẫn còn 58/706 cán bộ, công chức cấp huyện, 1.405/9.694 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư chưa được sắp xếp, giải quyết chế độ; 5/6 đơn vị hành chính (chiếm 83,33%) đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đô thị; 6/6 đơn vị hành chính đô thị cấp huyện hình thành sau sắp xếp chưa được phân loại đô thị và chưa tổ chức lập, điều chỉnh chương trình phát triển đô thị (100%); 43/152 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch đô thị (28,29%) và 58/104 đơn vị hành chính đô thị cấp xã hình thành sau sắp xếp chưa được cấp có thẩm quyền phân loại đô thị (55,77%). Nguyên nhân của việc chậm sắp xếp, phân loại và giải quyết chế độ chính sách là phụ thuộc vào nguồn lực, khả năng cân đối ngân sách của các địa phương. Trong khi đó, đa số các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách, gặp khó khăn về nguồn kinh phí thực hiện. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp căn cơ để tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại nêu trên.
Trả lời chất vấn tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, về vấn đề sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản. Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến 2025 phải giải quyết xong. Bộ trưởng cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn.
Ngoài ra, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều nay, nhiều nội dung trong nhóm lĩnh vực thứ hai đã được các vị đại biểu Quốc hội trao đổi như: Hướng tháo gỡ khó khăn cho công tác giám định tư pháp; chính sách tiền lương và phụ cấp cho đội ngũ nhân viên thư viện trường học khi giáo viên đã được tăng lương; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; việc tiếp thu, giải quyết các kiến nghị sau giám sát; giải pháp cho việc khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án; giải pháp nâng cao chất lượng xét xử…
Các nội dung đại biểu quan tâm đã được các Bộ trưởng, Trưởng ngành Tư pháp, Nội vụ, Công an, Thanh tra, Tòa án, Kiểm sát trả lời, làm rõ.
Sáng mai (22/8), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực này./.