Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân: Đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc

Đó là một trong những kiến nghị của đại biểu Hồ Thị Kim Ngân- Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn trong phiên thảo luận trực tuyến sáng 07/01 về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận từ điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân phát biểu thảo luận từ điểm cầu đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân bày tỏ sự nhất trí với đề nghị của Chính phủ về đầu tư hạ tầng giao thông đối với một số dự án như: cao tốc Bắc-Nam phía Đông; cao tốc đoạn Tuyên Quang-Hà Giang…Đại biểu cũng nhấn mạnh: Đúng như Chủ tịch Quốc hội đã phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp bất thường: Giao thông là mạch máu của nền kinh tế, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên mạch máu cần được nuôi dưỡng  đều khắp, nuôi dưỡng tốt thì sẽ có được một nền kinh tế khỏe mạnh.

Cho nên cùng với việc đầu tư các dự án đường cao tốc nói trên, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Quốc hội, Chính phủ dành nhiều sự quan tâm đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc cho các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sơn La, Điện Biên; Bắc Kạn, Cao Bằng để các tỉnh có nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội .

Cách đây chưa lâu tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc diễn ra vào tháng 11 năm 2021, trong bài phát biểu của mình, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mượn những câu từ rất đỗi thân thuộc trong bài thơ Việt Bắc của nhà thơ Tố Hữu, để nói về tình nghĩa thuỷ chung, son sắc, những giá trị truyền thống cần được nuôi dưỡng và phát huy:

“Mình về mình có nhớ ta

Mười lăm năm ấy thiết tha mặn nồng

Mình về mình có nhớ không

Nhìn cây nhớ núi, nhìn sông nhớ nguồn”…

Đất và người Việt Bắc bao năm rồi vẫn vậy, vẫn thẫm đượm một lòng chung thủy, sắc son.

Bắc Kạn và Cao Bằng là hai tỉnh miền núi, nằm trong vùng chiến lược trọng yếu về quốc phòng, an ninh, là căn cứ địa cách mạng của chiến khu Việt Bắc, nơi lưu giữ, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông trên địa bàn hai tỉnh trong những năm gần đây, đã được đầu tư nâng cấp, nhưng tiêu chuẩn kỹ thuật còn thấp, mặt đường nhỏ hẹp, quanh co, nhiều đèo cao nguy hiểm, các loại xe tải trọng lớn, đặc biệt là xe đầu kéo lưu thông không thuận lợi, chi phí vận tải cao, làm hạn chế khả năng phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, đời sống Nhân dân của hai tỉnh còn nhiều khó khăn.

Từ thực tiễn đó tháng 9/2021 tuyến đường cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến đường này có ý nghĩa rất quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, về quốc phòng, an ninh của các tỉnh và vùng Đông Bắc, phát huy hiệu quả tuyến đường cao tốc Hà Nội -Thái Nguyên; là trục hành lang kinh tế quan trọng Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội và là tuyến giao thông kết nối với các tỉnh Trung Quốc: Tứ Xuyên, Trùng Khánh, Quảng Tây.

Xuất phát từ vai trò và vị trí quan trọng đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân kiến nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm đầu tư tuyến đường tốc độ cao Bắc Kạn - Cao Bằng nhằm phát huy tối đa nguồn lực đã đầu tư, rút ngắn thời gian đi lại, phát huy hiệu quả liên kết vùng, từng bước nâng cao đời sống của Nhân dân, đáp ứng khát vọng vươn lên của đồng bào các dân tộc vùng chiến khu Việt Bắc.

Về việc áp dụng thí điểm cơ chế đặc thù, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đồng tình với ba cơ chế đặc thù mà Chính phủ đề xuất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng, có quy mô vốn lớn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép bổ sung thêm vào đối tượng điều chỉnh của các chính sách thí điểm này các công trình giao thông quan trọng tại các địa phương cũng như các công trình quan trọng do các Bộ, ngành làm chủ đầu tư được áp dụng cơ chế cho phép chủ đầu tư được khai thác các mỏ khoáng sản nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng dự án làm vật liệu xây dựng thông thường (chỉ nhằm thực hiện dự án), không phải thực hiện thủ tục cấp phép (tại khoản 2 Điều 5 của dự thảo Nghị quyết).

Vì theo các quy định hiện hành và từ báo cáo của Chính phủ việc cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản nói chung, bao gồm cả khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phải thực hiện theo trình tự, thủ tục, thành phần hồ sơ áp dụng chung mà không phân biệt nhóm, loại khoáng sản cũng như quy mô dự án. Các quy định này sẽ dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện các thủ tục, nhanh nhất thì cũng mất 6 tháng mới có thể hoàn thiện các thủ tục, trong khi điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay việc thực hiện các thủ tục này chắc chắn sẽ còn kéo dài hơn, từ đó ảnh hưởng lớn đến tiến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư không chỉ riêng với dự án cao tốc Bắc–Nam, đây là vướng mắc hiện hữu tại nhiều dự án giao thông quan trọng khác tại các địa phương. Bởi vậy, nếu mở rộng đối tượng điều chỉnh của chính sách sẽ góp phần đẩy mạnh đầu tư công, có tác động thúc đẩy tổng thể hoạt động đầu tư công nói chung từ đó thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển nền kinh tế không chỉ với các dự án trọng điểm…/.

N.V

Xem thêm

Video

Đọc báo in