(Tiếp theo và hết)
Chấn hưng văn hóa là làm cho văn hóa hưng thịnh, phát triển hơn trước. Chấn hưng văn hóa để làm cho các giá trị văn hóa của cộng đồng dân tộc, của đất nước, trong đó có tỉnh Bắc Kạn được nâng cao hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Chấn hưng văn hóa đang là yêu cầu cấp thiết của xã hội.
Theo Từ điển TiếngViệt do Giáo sư Hoàng Phê chủ biên, chấn hưng là làm cho trở thành hưng thịnh, thịnh vượng. Theo phân tích của các chuyên gia văn hóa, chấn hưng văn hóa là làm cho các giá trị văn hóa tốt đẹp của quốc gia - dân tộc được đề cao và phát huy mạnh mẽ hơn. Chấn hưng văn hóa để tiếp tục đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, nhằm làm cho các giá trị văn hóa được phát huy, phát triển, đóng góp vào sự phát triển chung để nâng tầm đất nước, đưa đất nước lên một vị thế mới.
Lịch sử đã chứng minh dân tộc Việt Nam vẫn trường tồn chính là dựa vào sức mạnh của văn hóa. Không ít ý kiến lo ngại với nền kinh tế mở như nước ta, giới trẻ hiện nay tiếp cận và hòa nhập rất nhanh với văn hóa của thế giới sẽ dẫn đến “mất gốc”, “lai căng” và dần dà sẽ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.
Chuyên gia Văn hóa, Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền khẳng định chấn hưng văn hóa là quá trình chọn lọc - đào thải - phát triển. Ông phân tích: Chấn hưng văn hóa có 3 điều quan trọng. Thứ nhất là chấn chỉnh những cái xưa cũ, lạc hậu, tìm ra những giá trị mới, những cái tích cực. Thứ hai, quá trình phát triển văn hóa cá nhân, văn hóa lạc hậu vẫn đan xen trong con người chúng ta nên phải loại bỏ những văn hóa lạc hậu, không còn phù hợp để làm cho xã hội trong sạch hơn, tiến bộ hơn. Thứ ba, bắt đầu chọn lọc những giá trị văn hóa mới, tích cực để làm ra nền văn hóa tiếp theo, nếu không thì văn hóa sẽ không phát triển.
Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Gia Hiền cho rằng, trong quá trình chấn hưng văn hóa cần ưu tiên số một là văn hóa phát triển. Bất cứ lúc nào thì văn hóa phát triển cũng là văn hóa mới, có thể có văn minh, tích cực, nhưng nhiều khi chưa hoàn chỉnh, cần phải được tạo điều kiện để phát triển. Chống chủ nghĩa cá nhân, phải hiểu thật sâu sắc, đó là chống suy thoái tư tưởng, chống diễn biến và tự diễn biến, chống tham nhũng. Chấn hưng văn hóa phải được ưu tiên xây dựng một lớp người lành mạnh, tích cực, con người xã hội chủ nghĩa.
Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã đăng trang trọng bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng chí nhấn mạnh: "Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng". Phát biểu của đồng chí cố Tổng Bí thư đã khẳng định quan điểm: Xây dựng và phát triển văn hóa chính là vì hạnh phúc của con người, của gia đình, cộng đồng và xã hội.Văn hóa là sáng tạo, đổi mới để vươn tới các giá trị chân - thiện - mỹ, vì con người. Chính vì lẽ đó, chấn hưng văn hóa phải là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới.
Cũng trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, đồng chí cố Tổng Bí thư đã phân tích, làm rõ những thành tựu và hạn chế trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là từ đổi mới đến nay: “Chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục. Những mặt “hạn chế, yếu kém” nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Phát triển các lĩnh vực văn hóa chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức, chưa đi vào chiều sâu, thực chất. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ, nhất là trong việc thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa… Những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này đã gây hệ lụy, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa của chúng ta. Chúng ta cần phân tích sâu sắc các mặt hạn chế và nguyên nhân để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”.
Với một tỉnh miền núi và giàu truyền thống cách mạng như Bắc Kạn, chấn hưng văn hóa không chỉ là yêu cầu cấp thiết mà còn là mệnh lệnh từ cuộc sống hiện tại.
Quán triệt sâu sắc quan điểm chấn hưng văn hóa của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tỉnh ủy Bắc Kạn đang xây dựng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng văn hóa gắn với phát triển con người Bắc Kạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045.
Dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn về xây dựng văn hóa gắn với phát triển con người Bắc Kạn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 có mục tiêu chung là xây dựng văn hóa gắn với phát triển con người, lấy con người làm trung tâm; quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, xứng đáng với quê hương giàu truyền thống cách mạng; xây dựng con người Bắc Kạn tiếp tục phát huy giá trị đạo đức cách mạng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng cống hiến, có nhân cách tốt đẹp, tấm lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết cộng đồng, nếp sống văn minh, lối sống giản dị, khiêm tốn, thân thiện, hiếu khách, sẵn lòng giúp đỡ mọi người, ngày càng sáng tạo, tích cực đóng góp cho sự phát triển của địa phương và đất nước.
Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang kỳ vọng vào Nghị quyết mới này. Nghị quyết sẽ tạo động lực để bảo tồn, lưu giữ, phát huy những tinh hoa, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc, địa phương trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bắc Kạn đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh Bắc Kạn.
Ý kiến nhắn gửi của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”: “…Chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho dân tộc, cho giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc”. Tỉnh Bắc Kạn đang bắt đầu cụ thể mong ước đó của đồng chí cố Tổng Bí thư bằng những công việc hằng ngày, hàng giờ".
Văn hóa Việt Nam đã, đang được đặt trong tâm thế mới, với mục tiêu cốt lõi là xây dựng con người. Và nhiệm vụ chấn hưng văn hóa cũng đang được đặt ra, là yêu cầu cấp thiết khi những giá trị văn hóa Việt đang bị đe dọa bởi tình trạng bạo lực, tệ nạn xã hội, tội phạm…Trong bối cảnh thực tế hệ giá trị văn hóa Việt đang có chuyển biến xấu, môi trường văn hóa, thuần phong, mỹ tục đang đi xuống, để tạo ra sự thay đổi, cần bắt đầu từ công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân, trang bị vốn văn hoá cần thiết làm nền tảng. Để làm được điều này, mỗi cấp ủy đảng, chính quyền cần phải toàn tâm, toàn ý thực hiện quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là thấm nhuần tư tưởng của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa. Việc coi văn hóa là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển không chỉ bằng những câu khẩu hiệu giăng ở khắp nơi./.