Ban Thư ký Công ước Ramsar tại Thụy Sĩ vừa công nhận vùng đất ngập nước Vườn Quốc gia Ba Bể có tầm quan trọng quốc tế thứ 1938 của thế giới theo danh sách Ramsar, đồng thời là khu Ramsar thứ ba của Việt Nam.
Vườn Quốc gia Ba Bể nằm trên huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Vườn Quốc gia nằm cách thị trấn Chợ Rã (huyện lỵ của Ba Bể) khoảng 18km về phía Tây Nam và cách Hà Nội khoảng 240km về phía Tây Bắc.
Tổng Thư ký Công uớc Ramsar Anad Tiega đã chính thức ký công nhận Vườn quốc gia Ba Bể là Vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới theo Công ước Ramsar. |
Vườn có trung tâm là hồ Ba Bể nằm trên độ cao 178m được xác định là hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Độ sâu trung bình của hồ dao động từ 17-23m với chỗ sâu nhất lên tới 29m. Đây không chỉ là hồ trên núi mà là một vùng đất ngập nước có hệ thống núi đá vôi bao bọc. Địa chất ở vùng này có nhiều hang độngđặc biệt và cấu tạo từ khoảng 20 nghìn năm trước.
Hồ Ba Bể nhận nước từ các sông Tà Han, Nam Cường và Chợ Lèn, ba con sông này hợp thành hệ thủy văn nổi phía Nam của vườn.
Ba Bể là một khu bảo vệ độc đáo trong hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam vì nơi đây có các sinh cảnh nước ngọt rất đa dạng, trong đó có rất nhiều các ao tù nhỏ và các vùng đầm lầy.
Ba Bể còn là nơi có các quần thể của một số loài động vật rất quan trọng trong việc duy trì tính đa dạng sinh học và là nơi duy nhất ở Việt Nam ghi nhận một loài linh trưởng có vùng phân bố hẹp là voọc đen má trắng, vạc hoa v.v.
Một góc hồ Ba Bể |
Ông Nông Thế Diễn – Giám đốc Vườn Quốc gia Ba Bể cho biết: Vườn quốc gia Ba Bể khởi động xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận Khu Ramsar từ tháng 04 năm 2009, đến cuối năm 2010 hoàn thiện hồ sơ, sau khi được Thủ tướng có ý kiến đồng ý thì gửi hồ sơ đến Ban thư ký Công ước Ramar (Thuỵ Sỹ) để công nhận và kết quả đến ngày 2/2/2011, dịp kỷ niệm 40 năm ra đời công ước, Tổng Thư ký Công uớc Ramsar Anad Tiega đã chính thức ký công nhận là Vùng đất ngập nước quan trọng của thế giới theo Công ước Ramsar.
Sự kiện công nhận Vườn quốc gia Ba Bể là Khu Ramsar thứ 1938 của thế giới có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam nói chung và tỉnh Bắc Kạn nói riêng, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam với thế giới trong việc nghiêm chỉnh thực hiện Công ước Ramsar. Đồng thời thông qua mạng lưới 161 quốc gia thành viên của công ước sẽ là cơ hội để quảng bá rộng khắp và xây dựng thương hiệu cho Vườn quốc gia Ba Bể.
Tuy nhiên, bên cạnh đó Bắc Kạn cũng cần có kế hoạch hoạt động và sự đầu tư vào khu vực Vườn quốc gia Ba Bể để sử dụng khôn khéo vùng đất ngập nước này, không chỉ góp phần bảo tồn, đa dạng sinh học mà còn khai thác tốt tiềm năng lợi thế phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.
Đồng thời việc bảo vệ vùng đất ngập nước là một trong những hành động cần thiết, thậm chí là cấp bách nhằm giảm thiểu tác động xấu từ biến đổi khí hậu.
Công ước Ramsar là hiệp ước liên chính phủ ra đời ngày 02/02/1971, tại thành phố Ramsar (Iran) với sứ mạng "bảo tồn và sử dụng khôn khéo các vùng đất ngập nước thông qua hành động của địa phương, của khu vực, của quốc gia và hợp tác quốc tế nhằm góp phần đạt được mục tiêu phát triển bền vững trên toàn thế giới."
Theo định nghĩa của Công ước Ramsar, các vùng đất ngập nước bao gồm các vùng sinh cảnh như các đầm lầy, than bùn, đồng bằng ngập lũ, sông, hồ và các vùng ven biển như đầm lầy nước mặn, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các rạn san hô cũng như các biển có độ sâu không quá 6m khi triều thấp”.
Việt Nam là một trong những nước đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á tham gia Công ước vào năm 1989. Đến nay, chúng ta có 3 vùng đất ngập nước được công nhận, đó là Khu Ramsar Xuân Thủy (thuộc Vườn Quốc gia Xuân Thủy, tỉnh Nam Định) và Khu Ramsar Bàu Sấu (thuộc Vườn Quốc gia Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng) và Khu Ramsar Vườn quốc gia Ba Bể.
Vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận vào danh sách Ramsar càng khẳng định giá trị và ý nghĩa của công tác bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi hơn để tiếp tục phát huy các thành quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển cộng đồng, phát huy các lợi ích về bảo vệ môi trường, về khoa học, gắn liền với các lợi ích về kinh tế, văn hoá và xã hội./.