Cơ quan soạn thảo tiếp tục tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân

BBK -  Chiều 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Luật Căn cước công dân (sửa đổi). 

Trước đó, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi).

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) đánh giá cao sự quyết liệt của Bộ Công an trong việc cấp căn cước công dân và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay đã có khoảng 80 triệu thẻ căn cước được cấp cho những người đủ điều kiện, cơ sơ sở dữ liệu dân cư đã kết nối được với 13 bộ ngành và 63 địa phương.

Nhận định hồ sơ dự án Luật Căn cước đã được chuẩn bị công phu, đạt chất lượng cao, đại biểu góp ý thêm về nội dung liên quan đến tích hợp cơ sở dữ liệu dân cư vào căn cước công dân. Dự thảo quy định có 24 nhóm thông tin của cư dân được tích hợp. Đại biểu cơ bản tán thành với việc thu thập các thông tin này.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội (Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) phát biểu.

Tuy nhiên đại biểu băn khoăn về việc trong dự thảo còn có quy định thu thập các thông tin khác của dân cư chia sẻ từ dữ liệu dân cư, dữ liệu chuyên ngành. Đại biểu đề nghị cần quy định rõ ràng hơn, vì dữ liệu chuyên ngành rất nhiều.

Như Bộ Tài chính đến nay đã ban hành 12 cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cộng với các bộ ngành khác thì sẽ có hàng trăm cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Về những thông tin của công dân được thu thập, tích hợp tại Điều 10, đề nghị quy định rõ những thông tin khác của công dân là thông tin gì, vì quy định còn chung chung; việc chia sẻ dữ liệu của công dân cần cân nhắc vì liên quan đến đời sống riêng tư của công dân.

Về các chủ thể được khai thác thông tin tại Điều 11, đại biểu cũng đề cập đến các chủ thể được khai thác thông tin từ dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội. Đại biểu cho rằng, các thông tin trong cơ sở dữ liệu dân cư rất rộng và nhiều thông tin liên quan đến đời sống riêng tư như số điện thoại... nếu không được quản lý phù hợp sẽ gây phiền phức cho người dân. Mặt khác, mỗi cơ quan, tổ chức có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, nên mục đích khai thác và phạm vi khai thác không giống nhau. Như cảnh sát giao thông chỉ cần khai thác thông tin về giấy phép lái xe, cơ quan địa chính chỉ có nhu cầu khai thác về đất đai, nhà cửa...

Dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về phạm vi khai thác và giao hết việc này cho Chính phủ. Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát, quy định ngay trong luật. Chính phủ chỉ quy định về trình tự thủ tục quá trình khai thác thông tin. Đại biểu đề nghị rà soát quy định cụ thể ngay trong luật về phạm vi thông tin mà từng chủ thể được khai thác theo nguyên tắc bảo đảm phù hợp với chức năng nhiệm vụ của từng chủ thể. Chỉ nên giao Chính phủ quy định về trình tự thủ tục của quá trình thu thập khai thác thông tin.

Phát biểu làm rõ các ý kiến ĐBQH nêu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết các ý kiến của đại biểu đều đã được Chính phủ báo cáo rõ và hướng tiếp thu giải trình. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục báo cáo Chính phủ và phối hợp với các cơ quan liên quan của Quốc hội để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Căn cước công dân cho phù hợp, bảo đảm hoàn thiện dự thảo luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ VI, tháng 11/2023./.

Nguyễn Thêm

Xem thêm

Video

Đọc báo in