Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam:

Chú trọng đào tạo nghề theo xu hướng xã hội

HSSV Khoa Cơ giới đường bộ thực hành tại xưởng..jpg
HSSV Khoa Cơ giới đường bộ thực hành tại xưởng.

Trường Cao đẳng Bắc Kạn hiện có 14 ngành nghề đào tạo, trong đó có 04 ngành thuộc bậc cao đẳng, 10 ngành nghề thuộc bậc trung cấp. Riêng trong năm học 2023, nhà trường có 659 học sinh sinh viên (HSSV) hệ chính quy (trong đó hệ cao đẳng 111 sinh viên và hệ trung cấp 548 học sinh); dạy học chương trình giáo dục thường xuyên (GDTX) cấp THPT năm học 2023-2024 cho 464 học viên; đào tạo hệ sơ cấp, gồm: Lái xe cơ giới đường bộ hạng B1, B2, C là 749 học viên; tổ chức sát hạch hạng A1 (xe máy) cho 1.500 học viên; liên kết đào tạo trình độ đại học hệ vừa học vừa làm là 408 học viên.

Để nâng cao hiệu quả các hoạt động, thời gian qua cùng với chính sách hỗ trợ, để thu hút học sinh sinh viên (HSSV) theo học, nhà trường đã tập trung nâng cao chất lượng đào tạo. Đến nay, nhà trường có đội ngũ giáo viên, nhà giáo có trình độ đạt chuẩn theo yêu cầu, có nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy, có kỹ năng tay nghề cao. Cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo được trang bị khá đầy đủ, cơ bản đáp ứng được công tác đào tạo như: Phòng học lý thuyết, phòng học chuyên môn hóa, xưởng thực hành, thư viện, ký túc xá, nhà giáo dục thể chất, sân vận động, sân thể dục thể thao với trang thiết bị hiện đại phục vụ công tác đào tạo, giáo dục thể chất, các hoạt động thể dục thể thao...

Trong công tác hướng nghiệp, Nhà trường đã chủ động thành lập tổ tuyển sinh, trực tiếp đến các trường THCS, THPT trên địa bàn tỉnh thực hiện tư vấn định hướng nghề, nâng cao nhận thức cho các bậc phụ huynh cũng như con em về các ngành, nghề cũng như cơ hội việc làm giúp gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Ông Bế Ngọc Tuấn, Hiệu trưởng Nhà trường: Với định hướng đào tạo nhân lực theo nhu cầu xã hội, nhà trường đã nỗ lực nắm bắt thị trường lao động, đào tạo theo nhu cầu người học và nhu cầu người sử dụng lao động. Công tác giải quyết việc làm cho HSSV sau tốt nghiệp ra trường được chú trọng quan tâm. Riêng trong năm 2023, kết thúc năm học tại Khoa Cơ điện có 60 HSSV tốt nghiệp, qua thăm nắm có 32/60 HSSV có việc làm hoặc tự tạo việc làm; Khoa Cơ giới đường bộ có 65/78 học sinh có việc làm; Khoa Sư phạm, qua thăm nắm ngành Giáo dục mầm non, 100% sinh viên ra trường đều có việc làm, trong đó 41,7% sinh viên làm đúng chuyên ngành đào tạo, 58,3% sinh viên có việc làm nhưng không đúng chuyên ngành đào tạo...

Kết quả năm 2023, tư vấn hệ Trung cấp nghề đạt 119,2% chỉ tiêu giao. Hệ Cao đẳng đạt chỉ tiêu được giao (42%). Năm học 2024 - 2025, Trường Cao đẳng Bắc Kạn được giao 90 chỉ tiêu đào tạo trình độ cao đẳng; 280 chỉ tiêu đào tạo trình độ trung cấp. Đến nay, qua 02 đợt nhập học, số học sinh vào học hệ trung cấp đã tuyển sinh vượt chỉ tiêu; hệ cao đẳng tuyển sinh được 59/90 chỉ tiêu; số chỉ tiêu còn lại nhà trường tiếp tục tổ chức tuyển sinh, nhập học, đảm bảo chỉ tiêu được giao theo kế hoạch năm.

HSSV Khoa Cơ điện trong giờ học thực hành.jpg
HSSV Khoa Cơ điện trong giờ học thực hành.

Song song với công tác trên, công đào tạo và liên kết đào tạo luôn là lựa chọn ưu tiên, nhất là đào tạo nghề gắn với doanh nghiệp. Nhà trường chú trọng đào tạo những kỹ năng chuyên môn doanh nghiệp cần ở người lao động, đảm bảo liên kết - hợp tác thường xuyên giữa nhà trường và doanh nghiệp ở tất cả các khâu đào tạo. Theo đó, Trường đã xây dựng cơ chế phối hợp 3 bên: Nhà trường - Doanh nghiệp - Người học để các doanh nghiệp tham gia đóng góp những nội dung cần thiết, phù hợp với thực tiễn của sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, nhà trường thường xuyên cử cán bộ theo dõi nắm bắt nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp và làm cầu nối để giới thiệu việc làm cho học sinh sau khi tốt nghiệp. Đến nay, Nhà trường đã ký cam kết hợp tác đào tạo, giới thiệu ba bên với hơn 30 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Việc liên kết này bảo đảm cho các học viên sau khi hoàn thành các khóa học sẽ được thực tập và có việc làm sau khi tốt nghiệp.

Trong thời gian tới, Nhà trường tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo của giảng viên và HSSV để tạo dựng môi trường học đường thân thiện, văn hóa, văn minh. Đổi mới hoạt động tư vấn định hướng nghề và tuyển sinh; đẩy mạnh xúc tiến các hoạt động liên kết đào tạo; đào tạo theo địa chỉ; nghiên cứu xây dựng các mã ngành đào tạo mới phù hợp với điều kiện thực tế và thực tiễn nguồn nhân lực của địa phương. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, đa dạng cơ hội việc làm cho người học, tăng cường tổ chức thực hành, thực tập tại doanh nghiệp tạo cho HSSV có môi trường học tập thực tế, sát thực với môi trường làm việc sau này./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in