Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, huyện Chợ Mới đang tập trung phát triển một số cây đặc sản có thế mạnh như chè Shan tuyết, chè trung du, cây dược liệu (quế, hồi), cây ăn quả (cam, quýt, mơ)… nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, giảm nghèo.
Theo đó, từ các dự án, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện đã phân bổ nguồn lực để triển khai các mô hình phát triển sản xuất. Trong đó, các mô hình nuôi gà, dê, trâu sinh sản, nuôi cá, thâm canh, cải tạo cây chè, hồi, mơ đang được triển khai phù hợp với nhu cầu của người dân và điều kiện thực tiễn của địa phương. Đến nay toàn huyện có hơn 98ha cây trồng trên đất lúa được chuyển đổi sang trồng cây có giá trị kinh tế cao; 430ha đất nông nghiệp đạt giá trị kinh tế hơn 100 triệu đồng/ha.
Bình Văn là xã vùng cao có khí hậu thời tiết phù hợp với trồng cây hồi, chè, quế, thuốc lá. Những năm qua, địa phương đã tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án để đầu tư thâm canh, nâng cao chất lượng và giá trị kinh tế của các loại cây trồng này, giúp người dân nâng cao thu nhập. Hiện Bình Văn có khoảng 40ha quế, 450ha cây hồi, trong đó có 280ha hồi cho thu hoạch. Năm 2023 giá hồi tươi bán ra thị trường là 37.000 đồng/kg, hồi khô là 90.000 đến 100.000 đồng/kg, đem lại cuộc sống ổn định cho bà con.
Ông Ma Phúc Quyên, Chủ tịch UBND xã Bình Văn cho biết: Xã xác định hồi là cây trồng chủ lực vì phù hợp với khí hậu của địa phương. Vì vậy để cây trồng này phát triển ổn định, tăng năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế, xã đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn hướng dẫn bà con nhân dân thâm canh, chăm sóc, cải tạo và áp dụng các biện pháp phòng chống sâu bệnh hại.
Cũng nằm trong vùng có khí hậu, thổ nhưỡng tương đồng, xã Yên Hân đã và đang tập trung phát triển cây chủ lực là hồi, quế, chè Shan tuyết. Nhờ những cây trồng này đã giúp bà con tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Là một trong những hộ trồng quế nhiều trong xã, gia đình anh Ma Quang Thảo, thôn Nà Đon, xã Yên Hân đã có thu nhập cao từ cây trồng này. Hiện gia đình anh có 3ha cây quế khoảng 10 năm tuổi và 4ha quế mới trồng. Hai năm nay gia đình bắt đầu tỉa thưa, quế ống bán ra thị trường có giá 45.000 đồng/kg khô, giúp gia đình anh thu về khoảng 150 triệu đồng. Anh Thảo chia sẻ: Nếu trồng theo phương pháp mới thì chỉ 5 năm là cây quế cho khai thác tỉa. So với cây trồng khác, cây quế đem lại giá trị kinh tế cao bởi ngoài vỏ, các bộ phận khác của cây đều có thể bán.
Bên cạnh thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện Chợ Mới còn đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân như: Hỗ trợ người dân về y tế, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, chính sách về giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm… từ đó góp phần ổn định cuộc sống cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo.
6 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện Chợ Mới có 557 lao động được tạo việc làm mới, đạt 74,2% kế hoạch, trong đó có 44 người đi xuất khẩu lao động, đạt 80% kế hoạch.
Bằng nhiều giải pháp thiết thực, phù hợp và sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền huyện Chợ Mới, tỷ lệ hộ nghèo của huyện bình quân giảm trên 2%/năm, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 18,97% năm 2022 xuống còn 16,14% năm 2023. Việc triển khai kịp thời các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội, góp phần nâng cao đời sống của người dân, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững./.