Chỗ dựa cho ngư dân Trường Sa vươn khơi bám biển

BBK - Giữa muôn trùng biển khơi, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây đã trở thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển, bám ngư trường, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ngôi nhà chung cho ngư dân giữa biển khơi

Trong chuyến công tác ở quần đảo Trường Sa mới đây, khi đến đảo Đá Tây, phóng viên các cơ quan báo chí, trong đó có Báo Bắc Kạn được chỉ huy đảo dẫn đi thăm cơ sở hạ tầng, đời sống của quân và dân trên đảo.

Gây ấn tượng với chúng tôi là tại Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đang nhộn nhịp tàu ra vào tiếp nhiên liệu, sửa chữa và cung cấp nước ngọt… Ít ai nghĩ rằng, cách đất liền hơn 400km, giữa muôn trùng biển cả lại có một Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá, trở thành ngôi nhà chung cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, bám ngư trường dài ngày.

2.jpg
Hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá hỗ trợ ngư dân tiếp nước ngọt và nhiên liệu phục vụ đánh bắt cá dài ngày trên biển.

Tiếp và dẫn chúng tôi đi thăm một số khu vực tại đây, anh Vũ Chí Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây cho biết: Trung tâm được Bộ NN&PTNT thành lập vào tháng 5/2005 với chức năng nhiệm vụ là cung ứng các dịch vụ hậu cần phục vụ cho tàu thuyền của bà con ngư dân Việt Nam khai thác thủy – hải sản, với các mặt hàng chính như: Lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhiên liệu; trao đổi tiêu thụ sản phẩm ngay trên biển cho ngư dân nhằm tăng thời gian khai thác, tăng hiệu quả kinh tế cho các tàu khai thác thủy sản; cung cấp nước đá cho bà con ngư dân, cung cấp nước ngọt; nhận sửa chữa các tàu thuyền bị hư hỏng, cứu hộ cứu nạn trên biển.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn có nhiệm vụ tiếp nhận và sắp xếp nơi ăn nghỉ cho bà con ngư dân khi không may bị đau, ốm bệnh tật; sắp xếp nơi neo đậu cho tàu thuyền của ngư dân trong âu tàu đảo Đá Tây tránh trú trong mùa mưa bão; thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi hải sản, môi trường sinh thái.

3.jpg
Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá sản xuất đá cho ngư dân hỗ trợ bảo quản thủy sản.

Được biết, trong những năm qua, công tác dịch vụ hậu cần nghề cá tại đảo Đá Tây từng bước đi vào hoạt động có hiệu quả, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho hàng ngàn con tàu của bà con ngư dân đánh bắt khai thác trên vùng biển Trường Sa. Các dịch vụ ưu tiên, ưu đãi của Trung tâm đã mang lại niềm tin, là chỗ dựa vững chắc và địa chỉ tin cậy cho những con tàu ra khơi khai thác đánh bắt dài ngày trên biển.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho ngư dân, những năm qua Trung tâm thường xuyên nâng cấp dịch vụ, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đến nay, Trung tâm có âu tàu với diện tích 13ha, được chắn gió bằng đê kè bê-tông cao hơn 5m, sức chứa cùng lúc đến 200 tàu cá và diện tích cho các công trình dịch vụ trên bờ là 8ha. Nhà máy sản xuất nước đá, nhà máy chế biến hải sản và hệ thống triền đà ray sắt để kéo tàu cá lên bờ sửa chữa. Nhà máy nước đá của trung tâm sản xuất mỗi lần được 830 cây đá. Hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt với công suất lọc ra 50m³ nước ngọt/ngày và có hầm chứa dung tích 3.000m³ được đầu tư đồng bộ.

Đặc biệt, Trung tâm có đội tàu dịch vụ gồm 11 tàu trong đó 01 tàu làm nhiệm vụ chứa dầu, 01 chiếc tàu kéo và 09 chiếc tàu vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra đảo, đi bán hàng lưu động trên biển, cứu hộ cứu nạn khi tàu ngư dân gặp nạn; thu mua hải sản lưu động trên biển theo giá thỏa thuận. Đồng thời, các tàu còn luân phiên canh trực trong lòng hồ đảo Đá Tây, Núi Le, Đá Lớn, Tốc Tan, Sinh Tồn sẵn sàng nhận lệnh đi tuần tra, cứu hộ hàng hải và các nhiệm vụ mà lãnh đạo cấp trên yêu cầu.

Khi cần có Đá Tây

Gần 20 năm qua, Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá ở đảo Đá Tây đã là điểm đến thân thuộc của nhiều tàu cá ngư dân trên biển, chủ yếu của các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Bình Thuận, Ninh Thuận…

Hằng năm, Trung tâm đã tổ chức cung ứng hàng trăm ngàn lít dầu nhiên liệu, hàng ngàn tấn lương thực, thực phẩm cho ngư dân với giá bán như trong đất liền, riêng nước ngọt thì cung cấp miễn phí.

Trung tâm cũng tiến hành hỗ trợ sửa chữa hư hỏng cho tàu cá của ngư dân nhưng không lấy tiền công, ngư dân chỉ phải trả tiền mua phụ tùng bằng giá trong đất liền nếu như không sửa được và phải thay thế. Với hệ thống triền đà ray sắt, Trung tâm có khả năng sửa chữa lớn cho những tàu cá hư hỏng nặng, thay vì phải kéo về đất liền sẽ làm phát sinh chi phí cho ngư dân. Trung tâm không đặt nặng mục tiêu lợi nhuận mà trước hết là thực hiện nhiệm vụ chính trị được Bộ NN&PTNT giao, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để bà con ngư dân yên tâm bám biển sản xuất, tiết kiệm chi phí; cứu hộ, cứu nạn trên biển kịp thời.

1.jpg
Nhiều tàu cá đã được Trung tâm hỗ trợ về nhiều mặt, tiết kiệm chi phí cho ngư dân.

Trung tá Đặng Văn Tài, Chính trị viên đảo Đá Tây nhấn mạnh: “Sau khi nâng cấp xây dựng, nâng cao chất lượng hoạt động, nâng cao năng lực, Trung tâm đã đáp ứng được nhiều yêu cầu thiết yếu hơn cho bà con ngư dân so với trước đây. Điều này giúp ngư dân thêm yên tâm bám biển dài ngày, khai thác nguồn lợi thủy sản, góp phần phát triển kinh tế biển, giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in