Chợ Đồn chủ động phòng dịch thủy đậu trong trường học

BBK - Trước nguy cơ bệnh thủy đậu lan rộng tại Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng, huyện Chợ Đồn đang triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch, bảo vệ sức khỏe học sinh.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng cho biết về các biện pháp ứng phó với dịch bệnh thủy đậu trong trường.

Theo báo cáo giám sát ổ dịch thủy đậu của Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn ngày 22/11/2024, tại Trường tiểu học Thị trấn Bằng Lũng có một số em học sinh bị thủy đậu với tổng số ca mắc là 11 ca. Từ ngày 23/11/2024 đến ngày 03/12/2024 không phát hiện ca mắc mới. Tuy nhiên đến ngày 05/12/2024 Trạm Y tế thị trấn Bằng Lũng phối hợp với Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng kiểm tra, giám sát thăm khám tại các lớp học, phát hiện thêm 11 ca mắc mới, đa số các ca mắc rải rác tại các lớp. Hiện các em học sinh mắc bệnh đều được nhà trường cho nghỉ học từ 7-10 ngày từ khi khởi phát, điều trị tại nhà, không có ca tăng nặng. Ngày 06/12/2024 toàn trường có thêm 05 học sinh xin nghỉ học do ốm, nhà trường đã thông tin cho phụ huynh đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám.

Trước tình hình trên, Trung tâm Y tế huyện Chợ Đồn đã khẩn trương phối hợp cùng nhà trường và Trạm Y tế thị trấn Bằng Lũng triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế. Đội ngũ y tế địa phương đã tiến hành giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, xác định các ổ dịch hiện có và phát hiện sớm những ổ dịch mới nếu xuất hiện. Các trường hợp mắc bệnh được yêu cầu cách ly từ 7-10 ngày để hạn chế lây lan.

bang-lung.jpg
Công tác vệ sinh môi trường được Trường Tiểu học thị trấn Bằng Lũng chú trọng.

Song song với đó, công tác vệ sinh môi trường và khử khuẩn được đẩy mạnh. Toàn bộ khuôn viên trường học, đặc biệt là các lớp học, khu nhà ăn bán trú, và nhà vệ sinh, đã được khử khuẩn bằng Cloramin B. Trường cũng trang bị đầy đủ xà phòng, dung dịch sát khuẩn tại các bồn rửa tay để tăng cường vệ sinh cá nhân cho học sinh và giáo viên.

Công tác truyền thông được tăng cường nhằm nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh. Các nội dung phòng bệnh được phổ biến qua loa truyền thanh khu phố, hướng dẫn người dân nhận biết sớm triệu chứng, không tự ý điều trị tại nhà, và tiêm phòng vắc xin cho trẻ từ 12 tháng tuổi.

Các trạm y tế xã trên toàn huyện cũng được chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các trường học để giám sát dịch bệnh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, đảm bảo không để dịch lan rộng và kéo dài. Công tác báo cáo tình hình dịch bệnh theo quy định cũng được thực hiện nghiêm túc.

Bệnh thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút Varicella rota vi rút gây nên. Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, rất dễ lây khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh, tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể gây thành dịch bệnh trong thời gian ngắn. Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân, khi thời tiết ẩm nồm là điều kiện thuận lợi để bệnh thủy đậu bùng phát mạnh nhất. Bệnh lành tính nhưng có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị các biến chứng kịp thời.

Để phòng ngừa hiệu quả bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.

- Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.

- Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

- Tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi.

Thời tiết thay đổi thất thường khiến các dịch bệnh truyền nhiễm theo mùa như: cúm, sởi, thủy đậu, tay chân miệng phát triển, đặc biệt các bệnh truyền nhiễm này dễ lây nhiễm chéo tại trường học và tái đi tái lại nhiều lần.

Để tăng cường phòng chống dịch bệnh trong trường học, đặc biệt là bệnh thủy đậu, cần triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Trước hết, cần nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh thông qua các kênh truyền thông như loa phát thanh, bảng tin và các buổi tuyên truyền. Trường học phải đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện khử khuẩn định kỳ tại lớp học, nhà vệ sinh, và khu vực nhà ăn.

Phát hiện sớm các ca bệnh là yếu tố then chốt, học sinh mắc bệnh cần được cách ly từ 7-10 ngày để tránh lây lan. Ngoài ra, tiêm phòng thủy đậu cho học sinh chưa mắc bệnh là biện pháp quan trọng. Phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và cơ quan y tế giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe học sinh và cộng đồng./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in