Chính sách tín dụng cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa của tỉnh

BBK - Những năm qua, nhiều chính sách tín dụng tập trung cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa được triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh hiện nay.

Hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh, yêu cầu thị trường

Trên cơ sở thực hiện theo định hướng về phát triển vùng nguyên liệu tại Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã phân vùng nguyên liệu cho từng loại cây trồng, vật nuôi tiềm năng thuộc nhóm đặc sản, đặc hữu của tỉnh như cây cam, quýt, hồng không hạt, mơ, chuối, dong riềng, chè, trâu, bò, lợn, dược liệu, lâm nghiệp… phù hợp với điều kiện kinh tế và định hướng phát triển sản xuất sản phẩm nông sản theo hướng hàng hóa của mỗi địa phương.

Các chính sách hỗ trợ về vốn đã giúp cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị.

Các chính sách hỗ trợ về vốn đã giúp cho các HTX mở rộng quy mô sản xuất, tạo ra sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có giá trị.

Cùng với đó tỉnh đã triển khai có hiệu quả đề án Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 phát huy lợi thế của các địa phương trong tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP).

Đến hết năm 2022 toàn tỉnh đã có 181 sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm OCOP 5 sao; 18 sản phẩm OCOP 4 sao và 162 sản phẩm. Tỉnh đã tập trung thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất đã và đang hình thành, đi vào chiều sâu, phát triển rõ nét và bền vững, trong đó doanh nghiệp, HTX làm trung tâm để liên kết với các tổ chức sản xuất.

Về trồng trọt, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị tiếp tục được triển khai mở rộng, các mô hình liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm các loại như gạo chất lượng, các sản phẩm chế biến từ gạo, sản phẩm chế biến từ củ nghệ, miến dong, dược liệu. Về chăn nuôi, hình thành và ổn định các chuỗi giá trị hiện có trên địa bàn tỉnh. Lâm nghiệp, tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết giữa chủ rừng gồm hộ gia đình, nhóm hộ với các nhà máy, cơ sở chế biến…

Phát triển kinh tế nông nghiệp thời gian qua đã đem lại hiệu quả, qua đó thu hút được lực lượng lao động cho nông nghiệp, lực lượng lao động trong nông nghiệp đến năm 2022 của tỉnh là 89.415 người, cơ cấu lao động nông nghiệp chiếm 68,02%. Hiện nay, toàn tỉnh có 276 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; 02 liên hiệp HTX, 391 tổ hợp tác gồm 4.725 thành viên; 10 trang trại chăn nuôi và trang trại tổng hợp...

Chính sách tín dụng ưu tiên cho phát triển nông nghiệp hàng hóa

Để khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 và Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035. Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã tập trung cho vay đáp ứng chi phí sản xuất nông, lâm nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ phi nông nghiệp, góp phần cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn. Kết quả đầu tư tín dụng trong nông nghiệp, nông thôn đã góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân khu vực nông thôn, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng.

Dư nợ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh chiếm trên 70% tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Bắc Kạn.

Dư nợ trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp của tỉnh chiếm trên 70% tổng dư nợ của Agribank Chi nhánh Bắc Kạn.

Theo Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, dư nợ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đến hết tháng 3/2023 đạt trên 2.346 tỷ đồng, chiếm hơn 70% tổng dư nợ. Diện mạo vùng nông thôn có nhiều thay đổi tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân ở hầu hết các vùng nông thôn ngày càng được cải thiện. Cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực theo hướng đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản hàng hóa có nhu cầu thị trường và có giá trị kinh tế cao.

Ông Đỗ Đăng Hùng, Giám đốc Agribank Chi nhánh Bắc Kạn cho biết: Mục tiêu năm 2023 của Agribank Bắc Kạn đề ra với tổng nguồn vốn huy động đạt 4.905 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay đạt 3.680 tỷ đồng, tăng 341 tỷ so với năm 2022, tốc độ tăng trưởng 7%. Tiếp tục ưu tiên vốn đầu tư doanh nghiệp nhỏ và vừa, đáp ứng kịp thời nhu cầu cho vay phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các đối tượng ưu tiên khác.

Thời gian tới, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, các dự án cam kết đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị quyết của HĐND tỉnh. Đối với Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh tiếp tục cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều và các đối tượng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in