Lủng Lầu là thôn vùng cao đặc biệt khó khăn của xã Đôn Phong với 30 hộ dân, 100% là đồng bào dân tộc Dao. Giao thông cách trở là một trong những nguyên nhân chính khiến kinh tế - xã hội ở Lủng Lầu chậm phát triển, với gần 100% là hộ nghèo.
Thấy được trở ngại trên, năm 2023 huyện Bạch Thông sử dụng nguồn vốn hơn 4 tỷ đồng từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cấp hơn 2km đường liên thôn Nà Lồm – Lủng Lầu. Từ ngày có đường bê tông, việc đi lại, sản xuất, giao thương của người dân Lủng Lầu thuận hơn rất nhiều.
Chị Triệu Thị Nguyệt, Bí thư Chi bộ thôn Lủng Lầu cho hay: “Được Đảng và Nhà nước quan tâm làm đường, bà con trong thôn ai cũng vui. Trước đây giao thông khó khăn khiến cho Lủng Lầu gần như bị cô lập với bên ngoài. Nay mọi thứ đang dần thay đổi, nhiều hộ trong thôn mạnh dạn vay vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt để hướng đến cuộc sống no ấm, đầy đủ hơn”.
Năm 2023 và 2024, xã Đôn Phong được bố trí hơn 13 tỷ đồng từ các nguồn vốn chương trình MTQG để thực hiện các mô hình, dự án và xây dựng hạ tầng. Đây là những nguồn lực quan trọng giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Cùng với Đôn Phong, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bạch Thông cũng được hưởng lợi từ các chính sách dân tộc, đặc biệt là từ các chương trình MTQG. Từ năm 2019 đến nay, huyện Bạch Thông đã thi công được 202 tuyến đường giao thông nông thôn, sửa chữa 07 cầu treo; đầu tư xây dựng tuyến đường nội thị thị trấn Phủ Thông với chiều dài 2,4km; xây mới 26 công trình thủy lợi; xây mới, sửa chữa, nâng cấp 48 nhà văn hoá xã, thôn; nhiều trường học, trạm y tế được xây mới, sửa chữa nâng cấp... Song song với đầu tư hoàn thiện hạ tầng, huyện Bạch Thông cũng đẩy mạnh hỗ trợ người dân thực hiện các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị từ nguồn vốn sự nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.
Các dự án từ chương trình MTQG đã góp phần quan trọng khai thác tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân của địa phương so với bình quân chung của tỉnh. Tổng sản lượng lương thực bình quân hằng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra, đạt trên 600kg/người/năm; thu nhập bình quân năm 2023 đạt trên 40 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ che phủ rừng đạt 79,44%; hiện nay toàn huyện có 41 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao; số hộ nghèo đa chiều của huyện giảm nhanh, cuối năm 2021 còn 30,9%, đến hết năm 2023 còn 20,15%, bình quân mỗi năm giảm 5,3%; huyện Bạch Thông có 05/13 xã đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, không có xã đạt dưới 9 tiêu chí…
Khối đại đoàn kết dân tộc được giữ vững, đồng bào các DTTS một lòng tin theo Đảng, làm theo lời Bác dạy là thước đo cho thấy hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Bạch Thông.
Ông Hà Kim Oanh, Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông đánh giá: Những năm qua, huyện Bạch Thông đã quan tâm thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh nói chung và công tác dân tộc, chính sách dân tộc nói riêng. Thông qua hoạt động tuyên truyền và triển khai thực hiện chính sách, nhân dân các dân tộc thiểu số tích cực, chủ động trong xây dựng cuộc sống và có nhiều đóng góp cho cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ; công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn huyện không ngừng được cải thiện, nâng cao; quốc phòng, an ninh được củng cố và giữ vững./.