Chăm lo cho người có công - đạo lý cao đẹp của dân tộc

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh thăm hỏi, tặng quà cho bà Lường Thị Liệu, mẹ liệt sĩ ở thôn Bản Kéo, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Duy Chinh thăm hỏi, tặng quà cho bà Lường Thị Liệu, mẹ liệt sĩ ở thôn Bản Kéo, xã Thanh Mai, huyện Chợ Mới

Là một trong những cái nôi của cách mạng, trong các cuộc chiến tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Bắc Kạn đã đóng góp nhiều sức người, sức của cho tiền tuyến. Nay đất nước hòa bình, hội nhập và phát triển, việc chăm lo cho người có công và gia đình ngày càng được quan tâm chú trọng.

Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh có 8.436 hộ người có công với cách mạng. Trong đó hộ nghèo, cận nghèo có thành viên là người có công chiếm 355 hộ. Số hồ sơ người có công và các đối tượng khác đang được Sở quản lý là 33.003 hồ sơ. Số người có công đang hưởng trợ cấp hằng tháng là 2.974 người.

Lễ Thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.

Lễ Thắp nến tri ân các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn.

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp, ngành và Nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Các chế độ chính sách ưu đãi đối với người có công, thân nhân người có công và các đối tượng chính sách được triển khai hiệu quả, kịp thời, đúng quy định.

Trong năm 2022, từ nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và của các tổ chức, nhân dịp lễ, tết các đơn vị, địa phương đã tổ chức thăm tặng quà cho 13.959 người có công với tổng kinh phí hơn 4,9 tỷ đồng. Bên cạnh đó các cấp, ngành còn triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: Tổ chức Hội nghị biểu dương đại biểu người có công tiêu biểu; thành lập đoàn viếng các nghĩa trang liệt sĩ, tổ chức thăm lại chiến trường xưa...

Tổ chức điều dưỡng tập trung và điều dưỡng tại gia đình cho 1.252 đối tượng người có công; chăm lo sức khỏe, điều trị bệnh tật, giám định y khoa cho người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng; trợ cấp phương tiện trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình cho người có công; trợ cấp ưu đãi trong giáo dục và đào tạo con của người có công; hỗ trợ hộ người có công vay vốn phát triển kinh tế; tu sửa, xây tặng nhà tình nghĩa… cho người có công.

Người có công ấm lòng trước sự quan tâm về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia đóng góp xây dựng Quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 1,8 tỷ đồng, riêng quỹ cấp tỉnh thu được hơn 90 triệu đồng.

Tổ chức Đoàn thanh niên trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động phong phú như: Tuần lễ đền ơn đáp nghĩa và ngày cao điểm “Chiến sĩ tình nguyện uống nước nhớ nguồn”; tặng 871 suất quà tổng trị giá 280 triệu đồng; khám phát thuốc cho 38 đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi hoàn cảnh khó khăn; huy động 835 ngày công lao động giúp đỡ các gia đình chính sách, thương bệnh binh, cựu TNXP có hoàn cảnh khó khăn thu hoạch ngô, lúa, nhổ mạ, tu sửa nhà cửa…

Bước sang năm 2023, dịp Tết Nguyên đán các đơn vị, địa phương đã chuyển 3.493 suất quà của Chủ tịch nước tặng các đối tượng người có công, thân nhân người có công với tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; tặng 3.488 suất quà cho người có công theo Nghị quyết số 01/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh với tổng số tiền hơn 718 triệu đồng. Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 47 nhà cho hộ nghèo có người có công với cách mạng; 51 nhà cho hộ gia đình cựu chiến binh thuộc hộ nghèo.

Hộ ông Hoàng Văn Soòng, thương binh ở xã Côn Minh, huyện Na Rì được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 735/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Hộ ông Hoàng Văn Soòng, thương binh ở xã Côn Minh, huyện Na Rì được hỗ trợ xây dựng nhà ở theo Quyết định 735/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Kạn.

Nhằm tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 19/7/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người có công với cách mạng; thời gian tới công tác “đền ơn đáp nghĩa” sẽ tiếp tục được tỉnh quan tâm, chú trọng. Qua đó thể hiện tình cảm trân trọng và lòng biết ơn của các thế hệ hôm nay đối với những hy sinh xương máu của các anh hùng – liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... và thân nhân, vì độc lập, tự do của dân tộc. Giáo dục truyền thống, nhân lên niềm tự hào để mỗi tập thể, cá nhân có động lực vươn lên trong học tập, công tác, lao động sản xuất, xứng đáng với những hy sinh của các thế hệ đi trước.../.

Xem thêm

Video

Đọc báo in