Cầu tạm ở Bành Trạch xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn thương tích

BBK - Cây cầu treo tạm bắc qua nhánh sông Năng ở xã Bành Trạch (Ba Bể) đã xuống cấp trầm trọng nhưng hằng ngày vẫn phải “cõng” hàng trăm lượt người và phương tiện đi lại, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn thương tích. 

Anh Bàn Văn Sơn, người dân ở khu vực Nà Áng, thôn Thôm Bon, xã Bành Trạch.

Mỗi ngày, cây cầu này vẫn phải “cõng” 6 hộ dân với 28 nhân khẩu của nhóm hộ thuộc khu vực Nà Áng, thôn Thôm Bon và một số hộ dân của thôn và các thôn khác của xã Bành Trạch có đất sản xuất ở khu vực Nà Áng đi lại qua sông.

Anh Bàn Văn Sơn, người dân ở thôn Thôm Bon cho biết: Cây cầu này đã được làm từ hàng chục năm nay, do xuống cấp nên nhiều lần người dân phải tự sửa chữa khắc phục. Năm trước đã có 03 trường hợp bị rơi cả xe máy và người xuống sông nhưng rất may chỉ bị thương nhẹ. Hiện cầu treo tạm đang tiếp tục xuống cấp nhiều chỗ, nên đi lại chênh vênh. Những người lớn tuổi và trẻ em đi học qua đây rất nguy hiểm.

Anh Phùng Văn Phủng, người dân khu vực Nà Áng, thôn Thôm Bon, xã Bành Trạch.

Anh Phùng Văn Phủng ở thôn Thôm Bon bày tỏ: Cây cầu này cách trung tâm xã khoảng 2km. Người dân thấy việc đi lại khó khăn, nguy hiểm nên đã đề nghị với thôn, xã từ nhiều năm nay nhưng đến nay cầu vẫn chưa được làm kiên cố. Hằng ngày chúng tôi sử dụng xe máy để chở vật liệu xây dựng, chở thóc lúa và các loại hàng hóa khác, khi chở nặng đi qua cầu chỉ sợ cành cây sung gãy là cả người và cầu sẽ rơi xuống sông. Đặc biệt là những ngày mưa, đi qua cầu trơn trượt rất nguy hiểm nhưng vì chỉ có duy nhất cây cầu này nên buộc phải đi, chẳng còn cách nào khác. Người dân mong muốn Nhà nước sớm bố trí nguồn kinh phí để xây dựng cầu kiên cố giúp bà con đi lại thuận tiện.

Ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch, huyện Ba Bể.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết: Do việc làm cầu cần kinh phí lớn trong khi địa phương chưa có nguồn. Để bảo đảm an toàn cho người dân đi lại, trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ dành nguồn lực để cùng người dân khắc phục, sửa chữa đồng thời sẽ đề nghị cấp trên quan tâm xây dựng phương án, bố trí nguồn vốn để làm cầu kiên cố.

Được biết, những hộ dân ở khu vực Nà Áng trước đây từ huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng đến mua đất và chuyển hộ khẩu về đây sinh sống, hiện 100% các hộ đều thuộc diện hộ nghèo. Họ vẫn mơ ước có một cây cầu kiên cố để có điều kiện phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập./.

Dưới đây là một số hình ảnh về hiện trạng cây cầu:

Nhiều điểm trên cầu đang từng ngày xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, nhưng người dân và các phương tiện vẫn phải qua lại.

Nhiều điểm trên cầu đang từng ngày xuống cấp nhưng chưa được sửa chữa, nhưng người dân và các phương tiện vẫn phải qua lại.

Cây cầu được người dân tự làm sử dụng dây thép để buộc vào cành cây, không có trụ đỡ hay giá treo cố định.

Cây cầu được người dân tự làm sử dụng dây thép để buộc vào cành cây, không có trụ đỡ hay giá treo cố định.

Tuy nhiên, phần những cành cây có buộc dây thép cũng bắt đầu có nhiều điểm hư hỏng, có thể gãy bất cứ lúc nào.

Tuy nhiên, phần những cành cây có buộc dây thép cũng bắt đầu có nhiều điểm hư hỏng, có thể gãy bất cứ lúc nào.

Phần dưới cầu nhiều điểm dây thép buộc đỡ đang mục nát có thể tuột khi có tải trọng lớn trên cầu.

Phần dưới cầu nhiều điểm dây thép buộc đỡ đang mục nát có thể tuột khi có tải trọng lớn trên cầu.

Các hộ gia đình ở khu vực Nà Áng đều là hộ nghèo, nên không có khả năng tự đầu tư làm cầu.

Các hộ gia đình ở khu vực Nà Áng đều là hộ nghèo, nên không có khả năng tự đầu tư làm cầu.

Xem thêm

Video

Đọc báo in