Người dân mua phải sản phẩm không rõ nguồn gốc tại một hội nghị giới thiệu khách hàng đầu tháng 3/2023 trên địa bàn TP. Bắc Kạn |
Cuối năm 2022 vừa qua, bà K, 83 tuổi, ở tổ 8, phường Sông Cầu, TP. Bắc Kạn đã bỏ ra hơn 2 triệu đồng để mua sản phẩm thực phẩm chức năng (ngoài bao bì ghi sản phẩm làm từ mật ong trộn với tinh bột nghệ) tại buổi giới thiệu sản phẩm tại nhà con trai bà. Sau khi mua xong, được nhiều người tìm hiểu lại thông tin sản phẩm, bà mới biết đây là sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Anh T, con trai bà K bức xúc: Khoảng đầu tháng 11/2022, có người lạ, tự xưng tên là Đ đến đặt vấn đề muốn thuê nhà tôi, để đặt địa điểm kinh doanh thực phẩm chức năng. Họ còn nhờ tôi làm shipper (giao hàng) quanh thành phố. Do vậy gia đình tôi đã đồng ý cho ông Đ thuê. Sau khi thỏa thuận xong, ông Đ hẹn đầu tháng 12/2022 quay lại để mở đại lý và thuê tôi đến ngày đó bố trí bàn ghế; mời người đến dự khai trương, nghe giới thiệu sản phẩm. Tin tưởng, tôi mời nhiều người đến dự, chủ yếu là người nhà và người quen.
Tại đây, với chiêu thức: Bán sản phẩm ít tiền thì khuyến mãi bằng việc trả lại tiền. Sau vài lần như vậy, đến sản phẩm giá trị cao thì họ khuyến mãi bằng cách tặng thêm một sản phẩm có giá trị tương đương đã bán cho khách tham dự. Với chiêu thức trên, buổi giới thiệu sản phẩm chỉ diễn ra khoảng 30 phút, họ đã thu về được trên 10 triệu đồng. Sau đó, lấy lý do đến giờ giới thiệu sản phẩm tại một địa điểm khác gần đây, họ trả cho gia đình anh T 300.000 đồng tiền điện, tặng 01 sản phẩm chức năng trị giá 2 triệu đồng rồi nhanh chóng lên xe rời đi. Chờ mãi không thấy họ quay lại thuê nhà; kiểm tra lại thông tin sản phẩm đã mua, anh T và mọi người tham dự mới biết bị lừa.
Tương tự, đầu tháng 3 vừa qua, bà S, trú tại tổ 11, phường Phùng Chí Kiên, thành phố Bắc Kạn được mời tham dự Hội thảo giới thiệu sản phẩm do đơn vị tổ chức tự xưng là Công ty TNHH xuất nhập khẩu gia dụng MOONHOUSE. Theo lời giới thiệu của công ty, bà S đã mua 1 nồi áp suất NKMedia với giá 4,1 triệu đồng và được tặng một chảo điện đa năng Nakashi có giá trị tương đương.
Tuy nhiên, theo nhân viên Siêu thị Media Mart tại thành phố Bắc Kạn, trong hệ thống sản phẩm của Media không có sản phẩm NKMedia. Sản phẩm này trên sàn thương mại điện tử có giá từ 700.000-800.000 đồng… Như vậy tổng giá trị 2 sản phẩm mà bà S mua và được tặng cũng chỉ có giá khoảng 1,2 - 1,4 triệu đồng. Tiếp nhận thông tin, Đội Quản lý thị trường số 1 thành phố Bắc Kạn tới kiểm tra thì những người này đã di chuyển đi nơi khác.
Bên cạnh mời tham dự hội nghị giới thiệu sản phẩm để bán sản phẩm không rõ nguồn gốc, gần đây, trên địa bàn tỉnh còn xuất hiện tình trạng người dân bị mời dự các hội nghị, hội thảo để giới thiệu dịch vụ kèm quà tặng. Bất thường là chưa rõ từ nguồn nào mà các nhóm đứng ra tổ chức lại có tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại và cả quan hệ hôn nhân, gia đình của người dân để gọi điện mời.
Bà Đinh Thị Sơn, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi tỉnh cho biết: Bức xúc hơn là các đối tượng thường nhắm vào nhóm người cao tuổi. Do vậy, cùng với tăng cường kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng, người cao tuổi trong tỉnh cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ để tránh mất tiền mua sản phẩm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện tổ chức, cá nhân đến giới thiệu sản phẩm có dấu hiệu lừa đảo, cần báo với chính quyền địa phương, để kịp thời kiểm tra, xử lý.../.