Cần tăng cường quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

BBK - Trong phiên họp toàn thể chiều nay (28/6), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ và thảo luận về dự án Luật Địa chất và khoáng sản.

z5582625731864_b5f82a4b6c174002a5ad026be3326922.jpg
Đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn góp ý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ đã sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến đối tượng cảnh vệ; chế độ, biện pháp cảnh vệ; nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng cảnh vệ. Trong đó, Luật quy định rõ hơn và thu hẹp phạm vi được cảnh vệ với sự kiện đặc biệt quan trọng, đó là các sự kiện hội nghị, lễ hội do Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tổ chức hoặc đại hội đại biểu toàn quốc do tổ chức chính trị xã hội ở Trung ương tổ chức; các trường hợp cấp thiết khác do Bộ trưởng Bộ Công an quyết định áp dụng biện pháp cảnh vệ phù hợp.

Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật Địa chất và khoáng sản, đại biểu Hà Sỹ Huân, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung vào quy định về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên khoáng sản được khai thác nội dung “Quyền được cho ý kiến có được triển khai hoặc không được triển khai dự án khai thác khoáng sản tại địa bàn” để tránh tình trạng khi dự án khai thác khoáng sản hoạt động gây ảnh hưởng môi trường, sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân, dẫn đến nguy cơ gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Đồng thời, đề nghị bổ sung nội dung “Được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm” để đảm bảo việc làm cho những hộ gia đình, cá nhân nơi thực hiện khai thác khoáng sản. Việc bổ sung nội dung này cũng đảm bảo phù hợp, thống nhất với quy định tại Luật Đất đai năm 2024 về hỗ trợ người dân khi thu hồi đất.

Về các hành vi bị cấm, đại biểu Hà Sỹ Huân, đề nghị bổ sung hành vi “Tàng trữ, cất giấu khoáng sản trên đất ở, đất vườn, quanh nhà ở…” và hành vi “Che giấu thông tin, không tố giác với cơ quan có thẩm quyền việc khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép” để phù hợp với thực tiễn, vì rất nhiều hộ gia đình, cá nhân nơi có khoáng sản thường tự ý khai thác hoặc tiếp tay cho các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép trên đất được giao quản lý, sử dụng nhưng cố tình che giấu hoặc không tố giác, gây rất nhiều khó khăn trong quản lý khoáng sản chưa khai thác.

Đối với quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân được cấp phép thăm dò khoáng sản, đại biểu Huân cho rằng quy định trong dự thảo Luật chưa thực sự chặt chẽ, đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân được phép thăm dò và cơ quan chấp thuận đề án thăm dò trong việc chuyển mẫu ra ngoài khu vực thăm dò. Nếu không quy định như vậy, sẽ dẫn đến việc lợi dụng chuyển mẫu đi phân tích để vận chuyển khoáng sản trái phép thu được từ việc thăm dò đi tiêu thụ, gây thất thoát về tài nguyên và khó khăn cho chính quyền địa phương trong công tác quản lý khoáng sản chưa khai thác.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị quy định tăng thẩm quyền cho UBND cấp huyện trong quản lý nhà nước về địa chất, khoáng sản, để cấp huyện có quyền “Tạm đình chỉ việc dừng khai thác khoáng sản do các cấp có thẩm quyền cấp phép khi đang hoạt động có nguy cơ hoặc đang gây ảnh hưởng đến đời sống, tình hình sản xuất của người dân; ô nhiễm môi trường”, để ngăn chặn kịp thời và hạn chế được những thiệt hại, trong thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý.

Một số ý kiến, kiến nghị của đại biểu đã được Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường giải trình, làm rõ trong phiên họp.

Cuối phiên làm việc, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in