Cam kết mạnh mẽ, nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người của Việt Nam

BBK- Ngày 15/4, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Sự kiện có sự tham dự của gần 100 đại diện các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản)Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ 4 (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản)

Phát biểu tại họp báo, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt khẳng định, Việt Nam coi trọng Cơ chế UPR, luôn nghiêm túc xây dựng các Báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận. Báo cáo UPR chu kỳ IV được xây dựng một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp tích cực của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân. Việt Nam đã nộp Báo cáo lên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc và đang chuẩn bị cho Phiên Đối thoại về báo cáo này tại Hội đồng Nhân quyền vào ngày 07/5/2024.

Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV nêu bức tranh tổng thể về việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam trên các lĩnh vực, rà soát việc thực hiện những khuyến nghị mà Việt Nam đã chấp thuận tại chu kỳ III. Theo đó, tính đến tháng 01/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), và hai khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện một phần 30 khuyến nghị (12,4%), và hai khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Thứ trưởng khẳng định, những kết quả này phản ánh nỗ lực rất lớn của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, nhất là trong hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, thực hiện nghĩa vụ theo các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên.

Kể từ lần rà soát trước, Việt Nam đã thông qua 44 luật, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng đã gia nhập thêm các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước số 98 và Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế, Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đóng góp tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế về thúc đẩy quyền con người, nhất là trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.

Thứ trưởng cho biết, việc xây dựng Báo cáo quốc gia và thực hiện các khuyến nghị Việt Nam đã chấp thuận có nhiều thuận lợi. Đó là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, sự quyết tâm và đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, những thành tựu tích cực của đất nước trong phát triển kinh tế-xã hội, không ngừng nâng cao đời sống cho người dân, sự tham gia và nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế về quyền con người và sự hợp tác, hỗ trợ tích cực của cộng đồng quốc tế.

Bên cạnh đó, sự tham gia đầy đủ, nghiêm túc và trách nhiệm của Việt Nam trong 3 chu kỳ UPR, việc xây dựng Kế hoạch hành động, Báo cáo giữa kỳ cũng là những kinh nghiệm tốt của Việt Nam trong triển khai thực hiện hiệu quả các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. Bên cạnh những kết quả này, Báo cáo cũng đề cập đến một số khó khăn, thách thức Việt Nam phải đương đầu, từ đó đề xuất các hướng ưu tiên và nhu cầu hợp tác của Việt Nam trong thời gian tới nhằm bảo đảm sự thụ hưởng tốt hơn quyền con người.

Xem thêm

Video

Đọc báo in