Các Mác - Nhà tư tưởng thiên tài, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân

BBK- Năm nay, nhân loại tiến bộ kỷ niệm 206 năm Ngày sinh Các Mác (05/5/1818 - 05/5/2024) - Nhà tư tưởng thiên tài, nhà cách mạng vĩ đại, lãnh tụ kiệt xuất của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Các Mác (Karl Marx) sinh ngày 5/5/1818 ở thành phố Trier, Đức. Thuở ấu thơ, ông đã thể hiện là người có tư chất thông minh, học giỏi, đặc biệt nổi bật ở những lĩnh vực đòi hỏi tính độc lập, sáng tạo. Bên cạnh đó, Các Mác còn là người có năng lực về toán học.

Năm 1841, khi mới 23 tuổi, Các Mác nhận được bằng Tiến sĩ triết học tại trường Đại học Tổng hợp Jena. Năm 1843, ở Pháp, Các Mác đã cùng với Acnôn Rugơ xuất bản cuốn "Niên giám Pháp - Đức” phê phán trật tự xã hội tư bản và vận động quần chúng đứng lên, đặc biệt là giai cấp vô sản. Các Mác đã phát hiện vai trò đặc biệt của giai cấp vô sản. Từ hiện thực khách quan sinh động ở nước Pháp đã giúp Các Mác hiểu sâu hơn cơ cấu nội tại của sự phát triển chủ nghĩa tư bản và những mâu thuẫn của nó.

Chân dung Các Mác.
Chân dung Các Mác.

Năm 1844, Các Mác viết Bản thảo kinh tế - triết học, thực chất là những phôi thai của những tư tưởng hết sức quan trọng mà sau này Các Mác phát triển một cách khoa học trong Bộ Tư bản. Thời gian này, Các Mác gặp được Ăng ghen ở Pháp, hai ông trở thành đồng chí và bạn, suốt đời trung thành với nhau vì sự nghiệp cách mạng vô sản.

Năm 1845 - 1848, ở Bỉ, Các Mác viết chung với Ăng ghen cuốn “Gia đình thần thánh”, phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghel trẻ, thực chất là phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Và cuốn “Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846)”, trình bày lý luận về Chủ nghĩa cộng sản khoa học, tiếp tục phê phán chủ nghĩa duy tâm của Hêghel và phái Hêghel trẻ, đồng thời phê phán chủ nghĩa duy vật không nhất quán của Luivich Feuerbach. Trong cuốn “Sự khốn cùng của triết học” (1847), Các Mác đã chống lại triết học tiểu tư sản của Proudhon và trình bày những cơ sở của chủ nghĩa duy vật lịch sử và chính trị kinh tế học vô sản. Năm 1848, được sự phân công của hội kín Liên hiệp những người cộng sản, Mác cùng với Ăngghen viết “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” - một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, nó soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tư bản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đi đến thắng lợi.

Năm 1864, Các Mác sáng lập ra Quốc tế thứ Nhất ở London và lãnh đạo tư tưởng nhằm chấm dứt tình trạng phân tán trong phong trào công nhân. Các Mác đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, bọn vô chính phủ, định ra sách lược cách mạng. Năm 1867, Các Mác đã cho xuất bản bộ “Tư bản” (tập I) - tác phẩm khoa học chủ yếu của Các Mác, (Tập II và III Các Mác không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản hai tập này).

Các Mác và Ph. Ăng-ghen. (Tranh tư liệu)
Các Mác và Ph. Ăng-ghen. (Tranh tư liệu)

Năm 1871, sau khi công xã Pari thất bại, Các Mác viết cuốn “Cuộc nội chiến ở Pháp”, nêu lên hình thức hợp lý nhất của chuyên chính vô sản là kiểu tổ chức chính trị như công xã Pari. Quốc tế thứ Nhất phải chuyển sang Mỹ rồi giải tán. Năm 1875, Các Mác viết cuốn “Phê phán cương lĩnh Gôta”, phê phán cương lĩnh của Đảng xã hội Dân chủ Đức, nêu lên chuyên chính vô sản là hình thức Nhà nước của thời kỳ quá độ cách mạng từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Ngày 14/3/1883, Các Mác qua đời ở Pháp và được an táng tại nghĩa trang Highgate, phía Bắc nước Anh.

Có thể nói, bằng thiên tài trí tuệ của mình, Các Mác đã giải đáp kịp thời, chính xác và sáng tạo những vấn đề lớn lao, cơ bản nhất và bức thiết nhất mà thời đại lúc bấy giờ đang đặt ra. Kết tinh trong mình là những thành tựu trí tuệ của loài người, kế thừa có tính phê phán những gì là tinh hoa trong lý luận triết học cổ điển Đức, kinh tế chính trị học Anh và chủ nghĩa xã hội Pháp, Các Mác cùng với Ăng ghen và người đồng chí của Người đã nghiên cứu toàn diện, có hệ thống toàn bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, tự nhiên và đã sáng lập nên triết học duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, kinh tế chính trị học mác xít và chủ nghĩa xã hội khoa học. Đó là ba bộ phận hợp thành của chủ nghĩa Mác, là lý luận, là bó đuốc soi đường mọi hoạt động cách mạng của những người cộng sản, giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước trên toàn thế giới.

Học thuyết Mác, chủ nghĩa Mác được V.I.Lênin kế thừa, bổ sung và phát triển, trở thành chủ nghĩa Mác - Lênin. Những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác được V.I.Lênin vận dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề của cách mạng vô sản thế giới trong tình hình mới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó.

Đối với Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên hành trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Đối với những người cách mạng Việt Nam, tìm thấy chủ nghĩa Mác - Lênin tựa "như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn". Từ đó chủ nghĩa Mác - Lênin luôn là ngọn đuốc dẫn đường cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi.

Chủ nghĩa Mác - Lênin kết hợp với phong trào công nhân và phong trào yêu nước đã dẫn tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, tạo ra một bước ngoặt vĩ đại của lịch sử cách mạng Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại luôn lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của mình. Luôn kiên định, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam, kết hợp nhuần nhuyễn giữa giai cấp và dân tộc, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; là chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; là thắng lợi vẻ vang trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Cuối những năm 80 đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và một số nước Đông Âu sụp đổ; chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế lâm vào thoái trào.

Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, Đảng ta luôn giữ vững bản chất cách mạng của giai cấp công nhân, kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên trì đường lối đổi mới, coi đây là yêu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Lịch sử đã chỉ cho chúng ta rằng, cùng với sự phát triển của thời đại, chúng ta càng phải kiên trì phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin; xác định rõ đổi mới không phải là từ bỏ mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng.

Qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng ta là đúng đắn, sáng tạo; con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử.

Công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ năm 1986 đến nay thu được những thắng lợi, thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Từ một nước nghèo đói, lạc hậu, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta không ngừng được mở rộng, GDP năm 2023 đạt khoảng 430 tỉ đô la Mỹ (USD). Nếu như ở những năm 1990, GDP bình quân đầu người ở nước ta dưới 100 USD thì năm 2023, GDP bình quân đầu người là gần 4.300 USD.

Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008 và sẽ trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 (khoảng 7.500 USD). Xuất khẩu năm 1990 chưa được 1 tỉ USD thì năm 2023 chúng ta đã xuất khẩu được 355 tỉ USD, xuất siêu đạt mức kỷ lục 28 tỉ USD.

Phát triển kinh tế đã giúp đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội những năm 80 và cải thiện đáng kể đời sống của nhân dân. Tỉ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm khoảng 1,5%; giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 của Chính phủ xuống còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023. Cùng với đó, đời sống văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh được giữ vững, vị thế, uy tín và tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế được đề cao, coi trọng.

Có được những thành tựu to lớn, đáng tự hào đó, một trong những nguyên nhân quan trọng là do Đảng ta đã kiên định vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; thường xuyên tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xã hội chủ nghĩa và con đường đi lên xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam cho phù hợp với thực tiễn phát triển của từng thời kỳ, dẫn dắt dân tộc ta vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.

Trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, Đảng ta càng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ góp phần lớn giúp toàn Đảng, toàn dân ta thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam chủ nghĩa xã hội./.

dangcongsan.vn

Xem thêm

Video

Đọc báo in