Theo đó, hai đơn vị trên phải điều tra rõ mối liên quan về dịch tễ của các trường hợp bệnh. Bộ Y tế sẽ cử các đoàn công tác chống dịch hỗ trợ địa phương, xử lý triệt để môi trường, chất thải tại khu vực lưu trú và điều trị bệnh nhân, qua đó giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm, điều trị kịp thời bệnh nhân, không để xảy ra tử vong.
Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), xử lý nghiêm khắc các cơ sở vi phạm. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát đảm bảo ATVSTP và môi trường tại các hộ gia đình, các tập thể tổ chức ăn, uống đông người, tránh các vụ ngộ độc lớn xảy ra. Kiểm tra vệ sinh các nguồn nước sinh hoạt, xử lý nguồn nước nhiễm bẩn, đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân ăn uống và sử dụng trong sinh hoạt...
Liên quan đến dịch tiêu chảy đang xảy ra tại Nghệ An, TS Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường cho biết, theo báo cáo của Sở Y tế Nghệ An, có 24 ca dương tính với phẩy khuẩn tả, dịch đã xảy ra rải rác từ 23/9 đến nay. Hầu hết bệnh nhân đều ăn hải sản tươi sống, đặc biệt là cá biển. Kết quả xét nghiệm hai mẫu nước sông Mai Giang chảy qua địa bàn huyện Quỳnh Lưu dương tính với phẩy khuẩn tả.
TS Nguyễn Huy Nga cho biết thêm, điều khó nhất hiện nay là sông Mai Giang rộng nên không có biện pháp nào có thể diệt hoàn toàn vi khuẩn tả. Biện pháp tốt nhất là khuyến cáo người dân không sử dụng nước sông để sinh hoạt.
Dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đã được Bộ Y tế đưa ra nhận định dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm khó khống chế, vẫn xảy ra rải rác vì vi khuẩn tả đã tồn tại trong môi trường, cộng thêm ý thức người dân về phòng bệnh lại rất kém.
Chiều 13/10, một đoàn cán bộ của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã vào Nghệ An để kiểm tra tình hình dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.