Lễ phát động thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, do UBND thành phố Bắc Kạn phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn tổ chức. |
Thi thoảng trên người chị N.H.Y lại xuất hiện những vết bầm tím hoặc trầy xước. Hàng xóm hỏi, chị Y đều nói bị ngã hoặc sơ ý va vào cánh cửa… Chỉ đến khi vô tình tại một buổi sinh hoạt hè, con chị Y tiết lộ “ngày nào mẹ cũng bị bố đánh rất đau”, khi đó đoàn thể của thôn mới biết chị Y đang bị chồng bạo hành. Điều đáng nói, khi được hỏi chị Y chỉ bảo “đó là chuyện riêng của gia đình”…
Khi nạn nhân từ chối lên tiếng thì vấn nạn bạo lực gia đình khó có thể được loại bỏ. Đây là câu chuyện không hiếm gặp trong xã hội hiện nay, cả ở khu vực thành thị lẫn nông thôn, có chăng chỉ khác về mức độ. Càng là người có trình độ, hoặc đi làm nhà nước lại càng giấu diếm bạo lực gia đình để không mất thể diện - chị Vũ Thị Kim Quỳnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ TP. Bắc Kạn nhận định.
Chị Quỳnh cho biết thêm: Cuối năm 2022, một phụ nữ tại phường Huyền Tụng viết đơn cầu cứu vì hai mẹ con nhiều năm bị chồng đánh đập, đến mức phải ra khỏi nhà đi thuê trọ. Khi đoàn thể và Công an đến tìm hiểu, được biết kể cả mẹ chồng cũng thường bị anh con trai mắng chửi. Hội đã phối hợp với Công an phường đề nghị người chồng ký biên bản không được đánh đập vợ con. Sau đó, tình hình cải thiện tích cực, người vợ đã trở về nhà làm ăn yên ổn… Hay gần đây, có trường hợp hai vợ chồng đều là viên chức, người vợ nhiều lần bị chồng đánh, có lần phải nhập viện. Sau khi đoàn thể và cơ quan chủ quản can thiệp thì tình trạng này mới chấm dứt.
Theo thống kê của Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch Bắc Kạn, năm 2022 toàn tỉnh ghi nhận 44 vụ bạo lực gia đình. Với thói quen nín nhịn, “xấu chàng hổ ai”, tâm lý “tốt khoe, xấu che”, số vụ bạo lực gia đình được phát hiện và xử lý chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. Nhiều phụ nữ đang che giấu tình trạng của bản thân, vô tình tiếp tay để bạo lực gia đình tái diễn…
Bạo lực gia đình, hành vi phổ biến là sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn giữa vợ chồng với nhau hoặc giữa bố mẹ với con cái. Bên cạnh đó, việc dùng lời nói để xúc phạm, mạt sát, chì chiết cũng là một dạng bạo lực về tinh thần, gây tác hại không kém. Phải chứng kiến bạo lực của bố mẹ khiến trẻ em bị ám ảnh, trở nên rụt rè e sợ khi giao tiếp. Hoặc tệ hơn là trẻ bị “nhiễm” thói hư tật xấu, lệch lạc nhân cách, dễ trở thành người vi phạm pháp luật về sau.
Ký kết thi đua tại Lễ phát động thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình được huyện Na Rì phối hợp tổ chức. |
Xác định rõ tầm quan trọng của việc loại bỏ bạo lực, xây dựng gia đình hạnh phúc, những năm qua ngành Văn hóa và các đoàn thể tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều động thái can thiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã triển khai thực hiện “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” trên địa bàn 08 xã, phường, thị trấn thuộc 08 huyện, thành phố. Triển khai “Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình”, thành lập các mô hình Câu lạc bộ “Xây dựng Gia đình phát triển bền vững” và “Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình” tại các địa phương. Tổ chức nói chuyện chuyên đề về “Bạo lực gia đình và kỹ năng tư vấn về phòng, tránh bạo lực gia đình”… thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phòng chống bạo lực gia đình của tỉnh Bắc Kạn đang đứng trước nhiều thách thức. Đó là trình độ dân trí không đồng đều. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực gia đình chưa được đào tạo, đãi ngộ thỏa đáng. Sự xâm nhập của các luồng văn hóa độc hại, các tệ nạn xã hội làm không ít gia đình rạn nứt, tạo điều kiện cho bạo lực gia đình xảy ra…
Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề của gia đình, mà còn của cộng đồng và xã hội. Do đó việc xóa bỏ bạo lực gia đình là trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, hành vi bạo lực gia đình cần phải bị làm rõ, lên án mạnh mẽ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Để mỗi gia đình hạnh phúc là một tế bào mạnh khỏe, xây dựng xã hội phát triển văn minh, tiến bộ và hạnh phúc./.