Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh chủ trì.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 Ban đại diện HĐQT các cấp đã kiện toàn 29 thành viên, trong đó: Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh kiện toàn 04 thành viên, cấp huyện kiện toàn 25 thành viên. Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp tổ chức các phiên họp định kỳ đúng thời gian quy định.
Đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh phát biểu tại hội nghị. |
Bám sát nghị quyết, quyết định của HĐQT và nghị quyết Ban đại diện HĐQT đã ban hành, Ban đại diện HĐQT đã duyệt kế hoạch phân bổ nguồn vốn, dư nợ các chương trình tín dụng kịp thời cho các huyện, thành phố, ngay sau khi có thông báo chỉ tiêu kế hoạch của Tổng Giám đốc NHCSXH và quyết định giao vốn ủy thác của UBND tỉnh. Chỉ đạo toàn chi nhánh tập trung các giải pháp huy động nguồn vốn, giải ngân đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác; tích cực thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng. Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát và phân công thành viên kiểm tra, giám sát tại 8 huyện, thành phố.
Năm 2022, Chi nhánh NHCSXH tỉnh được Tổng Giám đốc NHCSXH giao chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ 507,5 tỷ đồng để triển khai cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Trong đó, 267,5 tỷ đồng thực hiện tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng năm 2022 và 240 tỷ đồng tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ; UBND tỉnh và các huyện, thành phố chuyển vốn ủy thác từ ngân sách (cả phần bổ sung từ nguồn thu lãi) là 14 tỷ đồng.
Căn cứ quyết định của Tổng Giám đốc NHCSXH và của UBND tỉnh, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã kịp thời tham mưu Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh ban hành quyết định phân giao, điều chỉnh chỉ tiêu cho các đơn vị; đồng thời, chỉ đạo các đơn vị tham mưu Ban đại diện HĐQT NHCSXH cùng cấp chỉ đạo triển khai huy động nguồn vốn, giải ngân cho vay các chương trình tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn.
Doanh số cho vay 1.106 tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2021 là 346 tỷ đồng, với 20.296 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Tổng dư nợ đạt 2.797,6 tỷ đồng, tăng 493,5 tỷ đồng so với 31/12/2021, tốc độ tăng trưởng 21,42%, hoàn thành 99,7% (520/521,5 tỷ đồng) chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ được giao, với hơn 43.400 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đang dư nợ.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong năm 2023, gồm: Tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương chỉ đạo, phối hợp, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và các văn bản liên quan. Chỉ đạo, tổ chức triển khai cho vay kịp thời đối với các chương trình tín dụng chính sách ưu đãi, đặc biệt quan tâm đến việc triển khai cho vay phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, cho vay thực hiện Chương trình MTQG về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 đến năm 2025, theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh chủ động phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai các giải pháp để thực hiện hoàn thành các kế hoạch: Tín dụng, kiểm tra, đào tạo tập huấn, truyền thông và một số công tác khác theo mục tiêu đề ra. Tập trung cân đối nguồn vốn, phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác giải ngân kịp thời theo chỉ tiêu kế hoạch được giao...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện HĐQT NHCSXH tỉnh đề nghị các tổ chức Hội, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền các địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động Nhân dân mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn chính sách để phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập. NHCSXH tỉnh phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân vay vốn tín dụng chính sách để xây mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở; vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... để nâng cao thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống./.