Vạch trần âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chống phá cách mạng

Bài 1: Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch khi xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, tôn giáo. Các tôn giáo và các dân tộc sống đoàn kết, hòa thuận, tôn trọng, giúp đỡ nhau để cùng phát triển. Thế nhưng trong mấy năm gần đây, với mưu đồ thâm độc nhằm chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, các thế lực thù địch đã liên tục đưa ra những chiêu trò xuyên tạc sự thật về tự do tôn giáo, chính sách dân tộc của Việt Nam hòng phá hoại sự nghiệp cách mạng, gây mất trật tự tại các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Kạn. Bởi thế, chúng ta cần nhận diện đúng âm mưu phá hoại của chúng để cảnh giác, có giải pháp đấu tranh hiệu quả, vạch trần âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch.

Bài 1: Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch khi xuyên tạc về vấn đề dân tộc, tôn giáo

Do hoàn cảnh lịch sử và điều kiện địa lý nên cộng đồng các dân tộc Việt Nam có trình độ phát triển không đều về kinh tế, văn hóa, xã hội. Lợi dụng việc đời sống của một bộ phận đồng bào dân tộc, tôn giáo còn khó khăn; sự thoái hóa, biến chất, quan liêu, tham nhũng của một bộ phận cán bộ, đảng viên, các thế lực thù địch đã tuyên truyền xuyên tạc về chính sách dân tộc, tôn giáo của chúng ta nhằm làm cho Nhân dân mất niềm tin vào Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa.

Dạy nghề cho lao động là đồng bào dân tộc Mông, thôn Phiêng Lủng, xã Bộc Bố (Pác Nặm). Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Dạy nghề cho lao động là đồng bào dân tộc Mông, thôn Phiêng Lủng, xã Bộc Bố (Pác Nặm). Ảnh: Nguyễn Nghĩa

Anh Lý Văn Dũng, dân tộc Mông, sinh năm 1983, ở thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới là một trong số người dân của Bắc Kạn đã từng đi theo tổ chức bất hợp pháp gọi là “đạo Dương Văn Mình”. Tổ chức này thực chất là một tà đạo, hoạt động trái với quy định của pháp luật trong vùng đồng bào các dân tộc thiểu số ở Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Anh Dũng kể: Trước đây, do còn nhỏ, lại sống trong vùng bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, nên tôi đã nghe và tham gia tổ chức này. Sau nhiều năm tham gia, tôi thấy những gì mà “lãnh đạo cốt cán” Dương Văn Mình nói đều không đúng. Ví dụ như tổ chức bất hợp pháp này xúi giục ai theo Dương Văn Mình, khi chết sẽ được Chúa Giêsu đón lên trời sống sung sướng; không làm cũng có ăn, không học cũng biết chữ; người chết sẽ sống lại, người già sẽ lột xác trẻ lại, người trẻ thì trẻ mãi không già, ốm đau sẽ tự khỏi bệnh…

Nhưng sự thật thì không phải như thế. Ngay cả khi “lãnh đạo” Dương Văn Mình chết (cuối năm 2021) mà cũng không sống lại được. Chỉ thấy khi người đến lễ tụ tập phải mang tiền, chè, thuốc lá và các vật chất khác nộp cho người của Dương Văn Mình. Một số người dân trong huyện Chợ Mới đã nghe theo người của Dương Văn Mình, từ bỏ phong tục tập quán truyền thống của dân tộc Mông như dỡ bỏ bàn thờ tổ tiên; tổ chức lễ gọi vía, cầu hồn cho mọi người khỏi ốm đau... gây mất trật tự xã hội. Thấy vô lý nên anh Dũng là người đầu tiên trong điểm nhóm Đồng Luông từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Sau đó, nhiều người dân trong xã cũng đã từ bỏ tổ chức bất hợp pháp này và yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế gia đình.

Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tuyên truyền, lôi kéo kích động Nhân dân bằng những luận điệu phi lý, phản khoa học, sai sự thật nhưng một số đối tượng thù địch vẫn hết lòng ca ngợi cái gọi là “đạo Dương Văn Mình” trên mạng xã hội. Chúng kêu gọi mọi người hãy “ủng hộ đạo Dương Văn Mình”, phản đối “Đảng Cộng sản Việt Nam đàn áp đạo Dương Văn Mình”- đây là một trong hàng trăm phương thức chống phá của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo.

Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trích Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng

Theo số liệu thống kê, Việt Nam là quốc gia đa dân tộc (gồm 54 dân tộc), đa tôn giáo có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo đã được nhà nước công nhận hoặc chứng nhận đăng ký hoạt động. Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước, tại Việt Nam chưa từng xảy ra xung đột dân tộc, tôn giáo nghiêm trọng. Thế nhưng trong thời kỳ đổi mới, hội nhập quốc tế hiện nay, do âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch nên đã xảy ra một số “điểm nóng” về chính trị - xã hội liên quan đến việc lợi dụng vấn đề dân tộc, vấn đề tôn giáo ở một số địa phương trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như: Ở Tây Bắc chúng lập ra cái gọi là “Vương quốc Mông”, Nhà nước “Tin Lành Vàng Trứ” chủ yếu trong đồng bào dân tộc Mông để gây ra các điểm nóng về an ninh - trật tự.

Hiện tại, ở một số địa phương thuộc vùng núi phía Bắc, trong đó có tỉnh Bắc Kạn, các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục lén lút hoạt động tuyên truyền để dụ dỗ một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số đi theo, lừa bịp quần chúng bằng nhiều phiên bản mới để gắn vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo như “đạo Giê Sùa”, “đạo Bà Cô Dợ”, “đạo Dương Văn Mình”…, thu hút một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nghe và tin theo.

Ở Tây Nguyên chúng gắn vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo và nhân quyền nhằm tuyên truyền, kích động, gây xung đột dân tộc, tạo tiền đề cho sự chia rẽ, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở một số địa phương. Chúng lại lập ra cái gọi là “Đạo Hà Mòn” gây ra các “điểm nóng” chính trị - xã hội ở một số địa phương trên địa bàn các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk.

Ở Tây Nam Bộ chúng âm mưu đòi không dùng chữ Việt trong các bảng tên, con dấu ở chùa Khmer, đòi tách Phật giáo Nam tông Khmer ra khỏi Giáo hội Phật giáo Việt Nam…

Các thế lực đã đánh tráo và đồng nhất khái niệm quyền dân tộc tự quyết là quyền của quốc gia - dân tộc với quyền của các dân tộc thiểu số để tuyên truyền, xuyên tạc nhằm làm cho đồng bào các dân tộc ngộ nhận rằng, quyền dân tộc tự quyết là quyền của riêng đồng bào các dân tộc thiểu số. Từ đó, chúng tìm cách kích động, lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số đòi “quyền dân tộc tự quyết, tự quản”, thoát ly khỏi sự quản lý của Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đặc biệt, thời gian gần đây, các thế lực thù địch đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền thông qua các trang mạng xã hội, các hoạt động tài trợ để cổ vũ, kích động, chia rẽ dân tộc, gây mâu thuẫn, hận thù giữa người Kinh và đồng bào dân tộc thiểu số; giữa các dân tộc thiểu số trên cùng một địa bàn; đẩy mạnh các hoạt động kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, kỳ thị dân tộc, tạo xu hướng ly khai, tự trị, gây rối, bạo loạn, nhen nhóm thành lập nhiều tổ chức phản động gắn với các hoạt động tuyên truyền phát triển đạo trái pháp luật… gây mất ổn định chính trị nhằm chống Đảng, chống chính quyền, tác động tiêu cực đến an ninh, trật tự ở nhiều địa bàn, ở nhiều địa phương.

Các thế lực thù địch và phần tử dân tộc cực đoan, nhất là một bộ phận trong cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam sống lưu vong ở nước ngoài lợi dụng bản Tuyên ngôn về quyền của người bản địa của Liên hợp quốc mà Nhà nước ta đã tham gia, ráo riết kích động đồng bào các dân tộc thiểu số trong nước đứng lên đòi quyền dân tộc tự quyết, đòi thành lập “Nhà nước Khmer Krôm”; “Nhà nước Tin lành Đề-ga”, “Vương quốc Chămpa”, “Vương quốc Mông”… hướng tới ly khai, tự trị, độc lập.

Chúng tìm mọi cách để xây dựng, nuôi dưỡng các tổ chức phản động người Việt Nam ở nước ngoài; tập hợp, tài trợ, chỉ đạo lực lượng phản động trong các dân tộc, các tôn giáo ở trong nước hoạt động chống phá cách mạng Việt Nam, như: Truyền đạo trái phép để “tôn giáo hóa” các vùng dân tộc, lôi kéo, tranh giành đồng bào dân tộc, gây đối trọng với cấp ủy, chính quyền địa phương. Lợi dụng các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để liên lạc, truyền bá, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số và giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa đồng bào theo tôn giáo với không theo tôn giáo và theo các tôn giáo khác nhau, hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Không những thế, chúng còn kích động các dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc các tôn giáo chống lại chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; đối lập các dân tộc, các tôn giáo với sự lãnh đạo của Đảng, vô hiệu hóa sự quản lý của Nhà nước đối với các lĩnh vực đời sống xã hội, gây mất ổn định chính trị - xã hội, nhất là vùng dân tộc, tôn giáo, trong đó có các địa phương thuộc tỉnh Bắc Kạn./.

(Còn nữa)

Phú Thọ - Hồng Hạnh

Xem thêm

Video

Đọc báo in