Chia sẻ cùng chúng tôi, các học viên của lớp đào tạo nghề pha chế đồ uống do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp tổ chức tại thôn Nà Đán, xã Đôn Phong (Bạch Thông) cho biết: Trong suốt thời gian học, giảng viên của Công ty TNHH Trung tâm Đào tạo HITECH Hà Nội truyền đạt lý thuyết và những kỹ thuật trong quá trình thực hành dễ hiểu, dễ làm theo. Trong đó, phần lý thuyết là các kiến thức tổng quát về nghề pha chế đồ uống (các nguyên liệu, dụng cụ pha chế; công thức pha chế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm...). Phần lớn thời gian học dành cho thực hành, nên sau khi học xong mọi người đều thành thạo pha chế nhiều loại đồ uống, từ cơ bản đến nâng cao. Ngoài phục vụ nhu cầu của gia đình hoặc tự tạo việc làm thì với chứng chỉ được cấp, nếu có nhu cầu mọi người còn có thể tìm kiếm việc làm ở bộ phận pha chế đồ uống của đơn vị sản xuất, kinh doanh hoặc dịch vụ.
Thực tế, để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, cùng với các hoạt động khác, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Bạch Thông quan tâm thực hiện. Khi Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 27/7/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm giai đoạn 2021-2025 (Chỉ thị số 08-CT/TU) được ban hành, công tác này càng được chú trọng.
Để cụ thể hóa các nội dung, yêu cầu của Chỉ thị số 08-CT/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện tham mưu, xây dựng Kế hoạch số 228/KH-UBND, ngày 08/10/2021 tổ chức thực hiện trên địa bàn. Đồng thời, xác định công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là nhiệm vụ trọng tâm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đề ra mục tiêu đào tạo nghề, giải quyết việc làm cụ thể cho từng năm.
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Trung tâm GDNN - GDTX huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền chính sách, pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, thực hiện tốt công tác khảo sát lực lượng lao động và nhu cầu thực tế để xác định mục tiêu đào tạo nghề. Đặc biệt, thực hiện các chương trình MTQG, cơ quan chuyên môn đã chú trọng phối hợp trong định hướng, tư vấn phát triển các nhóm ngành, nghề phù hợp với quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương; phù hợp với nhu cầu học nghề của người lao động, yêu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp... để đặt hàng, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề.
Nội dung của các lớp được xây dựng, tổ chức theo nhu cầu đăng ký của người dân, với các ngành nghề chủ yếu, gồm: "Nuôi và phòng trị bệnh cho gà, thủy cầm", "Trồng và khai thác rừng", "Nuôi phòng trị bệnh cho lợn", "Pha chế đồ uống"; "Chế biến món ăn"... Qua thực tế cho thấy, do xuất phát từ nhu cầu thực tế nên phần lớn lao động sau khi được đào tạo đã phát huy, vận dụng kiến thức được học vào trong lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống.
Cùng với đó, huyện cũng đã đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung các chính sách liên quan đến công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, như: Nâng mức hỗ trợ người học nghề/ngày học nghề thực tế; hỗ trợ lãi suất vốn vay ưu đãi cho người sau học nghề khởi nghiệp; nâng định mức cho vay và thời gian vay; nâng mức vay đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng... để người lao động tích cực tham gia học nghề, phát triển nghề, chuyển đổi nghề, tạo thêm việc làm mới, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo và giải quyết việc làm.
Sau hơn 03 năm thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TU, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm của huyện đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo nghề từng bước được đầu tư; các ngành, nghề đào tạo cơ bản phù hợp với nhu cầu người lao động, phần lớn đã vận dụng kiến thức được đào tạo vào lao động sản xuất, tăng thu nhập và cải thiện cuộc sống. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2024, toàn huyện đã mở được 22 lớp đào tạo nghề thường xuyên cho lao động nông thôn với hơn 700 người tham gia; 02 lớp trung cấp nghề với 68 học viên tham gia; có hơn 600 lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp và đơn vị sản xuất ở ngoài tỉnh.
Ông Phùng Đức Hậu, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bạch Thông
Từ kết quả đã đạt được, Bạch Thông xác định tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 08-CT/TU. Phấn đấu thực hiện hoàn thành mục tiêu đào tạo nghề cho 300 người/năm, giải quyết việc làm cho 700 người/năm. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tư vấn về giáo dục nghề nghiệp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông; tổ chức điều tra, khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo, tổ chức đào tạo, đào tạo lại lực lượng lao động, chuyển đổi nghề nghiệp cho người lao động đáp ứng thị trường lao động. Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề đáp ứng thị trường lao động; triển khai các chính sách, chương trình, dự án hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, thực hiện kết nối cung - cầu thị trường lao động.../.