Bắc Kạn tăng cường ứng phó với biến đổi khí hậu

BBK - Những năm gần đây, tỉnh Bắc Kạn đang đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu như lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, ảnh hưởng đến đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội. Để tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã triển khai một số giải pháp trọng tâm.

542545.jpg
Thiên tai gây vỡ đập hồ chứa thải quặng đuôi của Chi nhánh kim loại màu Bắc Kạn, ảnh hưởng đến môi trường và đời sống kinh tế của người dân.

Mặc dù công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã được quan tâm triển khai nhưng hiệu quả đem lại vẫn còn hạn chế. Hằng năm, tác động từ biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một phần do tỉnh Bắc Kạn còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu; các nhiệm vụ, dự án ưu tiên đã đưa vào các chương trình, kế hoạch nhưng chưa bố trí được kinh phí triển khai thực hiện.

Thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn cho thấy, từ đầu năm 2024 đến nay có 7 người chết do sạt lở đất làm sập nhà, xảy ra tại địa bàn huyện Pác Nặm và Ngân Sơn. Gần đây, cơn bão số 3 đã khiến 04 người bị thương; gần 2.500 nhà ở bị hư hỏng, trong đó có 620 nhà phải di dời do sạt lở đất, ngập lụt, 10 nhà bị sập đổ hoàn toàn; hơn 2.000ha cây trồng bị thiệt hại; các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và đường giao thông nông thôn bị sạt lở nghiêm trọng; 90 công trình thủy lợi, nhiều nhà văn hóa, trụ sở y tế, giáo dục và công trình hạ tầng khác bị hư hỏng, nhiều tài sản của Nhân dân bị vùi lấp ngập lụt; nhiều khu vực dân cư bị sạt trượt, có nguy cơ sạt trượt cao, ước tính tổng thiệt hại hơn 863 tỷ đồng. Thiệt hại từ đầu năm đến nay hơn 900 tỷ đồng.

857858.jpg
Lực lượng chức năng kiểm tra an toàn tại các hồ chứa tại một số mỏ khai thác khoáng sản ở huyện Chợ Đồn.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt điều chỉnh, các sở, ngành, địa phương lồng ghép vấn đề biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý. Triển khai thực hiện các nội dung phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương án được duyệt hằng năm, nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, góp phần ổn định xã hội và thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường năng lực dự báo khí tượng thủy văn; bảo đảm dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan, chủ động phòng tránh thiên tai hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh còn thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường trồng rừng, bảo vệ rừng tự nhiên và các khu vực nhạy cảm để giảm thiểu nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Rừng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái và giảm phát thải khí nhà kính. Tuyên truyền, giáo dục người dân về tầm quan trọng của việc bảo vệ tài nguyên rừng, khuyến khích các hoạt động thân thiện với môi trường và sử dụng tài nguyên bền vững. Chủ động tiếp cận các nguồn vốn từ các quỹ quốc tế về biến đổi khí hậu, hợp tác với các tổ chức phi chính phủ để triển khai các dự án giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nghiên cứu, nhân rộng các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện của biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái từng khu vực, từng huyện, tận dụng các cơ hội để phát triển nông nghiệp bền vững; ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước; cải tạo, nâng cấp, tu bổ và xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, kè chống sạt lở nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa, đảm bảo an ninh nguồn nước…

Hiện trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có gần 30 trạm quan trắc khí tượng, thủy văn chuyên dùng theo hướng tự động, tiên tiến, hiện đại, từng bước đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Nhờ vậy, hằng năm đã thực hiện tốt công tác dự báo, cảnh báo sớm các hiện tượng thời tiết cực đoan trên địa tỉnh Bắc Kạn phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai và phát triển kinh tế - xã hội bền vững; giúp người dân và doanh nghiệp chủ động bảo vệ tài sản và tính mạng. Cùng với đó, là điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo từng vùng, chú trọng công tác trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng... góp phần tích cực vào công tác ứng phó biến đổi khí hậu./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in