Tận thu gỗ nằm là bảo vệ và phát triển rừng

Bắc Kạn: Sơ kết đợt tận thu thí điểm gỗ nghiến nằm tại xã Hảo Nghĩa- Na Rỳ

Sáng 15/4/2009, UBND tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Hội nghị sơ kết tận thu thí điểm gỗ nghiến nằm trên đất lâm nghiệp tại thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn. Ông Trương Chí Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có ông Hoàng Ngọc Đường, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo tận thu gỗ nằm tỉnh Bắc Kạn; đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và C15 Bộ Công an.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bá Ngãi - Quyền giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bắc Kạn, Phó Ban Thường trực Ban chỉ đạo tận thu gỗ đã trình bày Báo cáo sơ kết công tác tận thu thí điểm gỗ nghiến nằm tại thôn Khuổi A.

so ket tan thu go

Báo cáo đã chỉ ra những mặt làm được qua đợt tận thu thí điểm gỗ nằm tại thôn Khuổi A, xã Hảo Nghĩa. Thứ nhất là, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ và sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT về tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp. Thứ hai, việc triển khai tận thu thí điểm được thực hiện theo trình tự thủ tục chặt chẽ, đúng quy định hiện hành.Cụ thể, Sở NN&PTNT đã thẩm định chi tiết 100% số lô thiết kế, đo đếm và xác định khối lượng 100% số cây bài (đoạn cây bị cắt). Tiếp đó, đợt tận thu thí điểm đã đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân. Nguồn thu nhập thông qua lao động đạt trên 800 triệu đồng cho 17/20 hộ gia đình thôn Khuổi A và một số thôn lân cận góp phần đáng kể ổn định đời sống cho người dân. Công tác an toàn lao động cho người dân tham gia vận chuyển gỗ được thực hiện có hiệu quả. Một số nguồn đơn vị tận thu chi trả cho địa phương đã phục vụ tích cực cho công tác bảo vệ và phát triển rừng. Đợt tận thu thí điểm vừa qua đã góp phần tích cực cho công tác quản lý, bảo vệ rừng, đặc biệt là trên địa bàn tận thu. Theo báo cáo của ngành chức năng, trong thời gian tiến hành tận thu tại thực địa, tính từ ngày 01/11/2008 đến 31/3/2009, không có cây gỗ nào bị chặt hạ trái phép trong diện tích cấp phép tận thu.

Theo báo cáo của ban chỉ đạo, tính đến ngày 31/3/2009, khối lượng gỗ đã tận thu là 332 cây, tương đương 1.409,75 mét khối gỗ tròn. Khối lượng gỗ xẻ đơn vị tận thu đã thu được là 337,05 mét khối, lượng gỗ bìa bắp thu được là 37,2 ster. Về tài chính, Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam đã nộp 448 triệu đồng tiền thuế tài nguyên, 61 triệu đồng thuế giá trị gia tăng. Công ty đã nộp cho UBND huyện Na Rì 50 triệu đồng theo khối lượng tận thu thực tế; trả chi phí nhân công vận chuyển, phương tiện bảo hộ lao động là 1 tỷ 172 triệu đồng; đền bù hoa màu cho dân là 63,8 triệu đồng. Nhiều nhóm hộ gia đình tại địa phương tham gia vận chuyển gỗ tận thu cho công ty, đã đạt tổng số tiền công trên 200 triệu đồng như: Nhóm hộ ông Hoàng Văn Tá (thôn Khuổi A), Phan Văn Minh (Nà Sót)…

Tuy nhiên, bên cạnh những việc làm được, công tác tận thu thí điểm gỗ nghiến nằm tại thôn Khuổi A vừa qua cũng còn bộc lộ một số điểm hạn chế. Đó là việc sản phẩm tận thu của đơn vị thực hiện đạt thấp so với kế hoạch (chỉ đạt 32%). Nguyên nhân chính được chỉ ra là do khâu thiết kế xác định tỷ lệ tận dụng gỗ lên tới trên 80%. Trong khi tỷ lệ tận dụng gỗ thực tế chỉ đạt 38,5%, thậm chí nhiều cây gỗ đổ gãy tỷ lệ tận dụng gỗ rất thấp hoặc không tận dụng được. Một nguyên nhân khác cũng được chỉ ra, đó là thời gian giữa khâu thẩm định và cấp giấy phép kéo dài tới 5 tháng. Trong thời gian đó, nhiều cây gỗ đã đóng búa bài đã bị mất mát.

Việc Công ty TNHH Đầu tư phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam chi phụ cấp trực tiếp cho tổ giám sát xã Hảo Nghĩa là chưa hợp lý và cần rút kinh nghiệm. Kinh phí này cần được chuyển vào quỹ bảo vệ và phát triển rừng của địa phương để địa phương chi trả cho tổ giám sát. Bên cạnh đó, việc tận thu chưa được tiến hành dứt điểm tại từng lô, đến thời điểm hết hạn cấp giấy phép đơn vị khai thác vẫn chưa tận dụng hết sản phẩm, bìa bắp và cành ngọn vẫn còn nên công tác vệ sinh rừng chưa đạt yêu cầu. Cấp huyện, xã và thôn chưa chủ động trong công tác tuyên truyền, nên hiệu quả tuyên truyền đến người dân chưa cao.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ NN&PTNT và Bộ Công an cũng nhất trí với nội dung báo cáo sơ kết của Ban chỉ đạo tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp tỉnh Bắc Kạn. Đồng thời đoàn cũng khẳng định: Qua kiểm tra, xác định rõ không có việc lợi dụng chặt hạ trái phép cây đứng trong phạm vi diện tích được cấp phép tận thu. Đoàn kiến nghị tỉnh cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh và làm tốt hơn nữa các khâu trong quá trình tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp. Nhất là cần xác định rõ để lựa chọn được đơn vị có năng lực làm công tác khảo sát thiết kế.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, ông Trương Chí Trung- Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Tận thu thí điểm gỗ nằm trên đất lâm nghiệp là một chủ trương đúng. Tận thu là để bảo vệ và phát triển rừng được tốt hơn, chứ mục tiêu không đơn thuần là tăng thu ngân sách. Hiện nay đối với Bắc Kạn, nhu cầu về tăng cường bảo vệ rừng là rất lớn, và là vấn đề có tính lâu dài. Nên bên cạnh việc tổ chức tận thu đúng pháp luật, đúng quy trình, thì việc tận thu cần đạt hiệu quả cao để tạo thêm nguồn cho công tác bảo vệ rừng. Yêu cầu  Công ty TNHH Đầu tư và phát triển lâm nông nghiệp Việt Nam vận chuyển toàn bộ bìa bắp, cành ngọn của gỗ nằm đã được cấp phép ra khỏi rừng trước ngày 30/4/2009 để vệ sinh, đóng cửa rừng. Tỉnh nhất trí tiếp tục triển khai công tác tận thu gỗ nằm trên đất lâm nghiệp trong thời gian tiếp theo, nhưng sẽ làm gọn ở từng địa phương, không áp dụng đại trà nhiều huyện một lúc. Đối với ý kiến đề xuất mở rộng phạm vi đối tượng tham gia tận thu thông qua đấu thầu, ông Trung lưu ý rằng: Việc ưu tiên cho doanh nghiệp tại địa phương tham gia công tác tận thu là cần thiết. Song điều quan trọng hơn, là phải lựa chọn được đơn vị có năng lực thực sự, có khả năng thực hiện tốt các nghĩa vụ với nhà nước./.

Hải Đăng

Xem thêm

Video

Đọc báo in