Về Pò Nim xem bà con làm mía đường

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Pò Nim thuộc xã Cường Lợi (Na Rì) từ lâu đã có nghề làm đường phên và mật mía. Đường phên nơi đây nổi tiếng bởi độ đường cao, thơm đặc trưng, màu vàng đẹp.

Thời điểm tháng 11 âm lịch, sau khi thu hoạch xong mùa vụ, người dân thôn Pò Nim lại tất bật chặt mía, làm ra những mẻ đường phên ngọt, tinh túy. Thời điểm này, tới đầu thôn Pò Nim đã có thể ngửi thấy mùi thơm nức của mía đường, với những hình ảnh bà con nông dân người thì ép mía, người nhanh tay đảo đường bên những chiếc chảo gang to…

Người dân thôn Pò Nim khẩn trương thu hoạch míaNgười dân thôn Pò Nim khẩn trương thu hoạch mía

Tại vườn mía của gia đình, ông Lý Văn Nam, thôn Pò Nim vừa xếp những cây mía lên xe, vừa chia sẻ: “Nhà tôi bắt đầu vào vụ ép mía đầu tiên trong năm, đây cũng là thời điểm tiêu thụ đường mía nhiều hơn các tháng trong năm vì là dịp Tết Nguyên đán. Giống mía được trồng tại thôn nhiều năm trước, không biết từ đâu mà có, nhưng đường phên ở đây luôn có hương vị thơm, ngọt đậm đặc trưng mà không địa phương nào có".

Ép mía bằng máy ép chạy điện

Ép mía bằng máy ép chạy điện

Theo ông Nam, giống mía này trồng một lần thu hoạch mấy năm mới phải trồng lại. Hằng năm, sau khi thu hoạch, chờ lá mía khô đốt cho sạch, một thời gian những gốc mía mọc mầm, chỉ việc vun và làm cỏ là chờ đến thời điểm thu hoạch. Nhà ông Nam trồng mía và làm đường phên hàng chục năm nay, với diện tích hơn 4.000m2. Đất trồng mía không cần quá màu mỡ, quá trình chăm sóc không cần bón nhiều phân đạm vì chỉ tốt cây, đẹp lá, cho lượng đường ít. Thay vào đó, mía được trồng ở nơi đất cằn, chỉ cần được vun gốc cao, rộng để tránh tình trạng đổ rạp do gió bão…

Công đoạn sau khi nấu nước mía hơn 6 giờ đồng hồ là đảo đều tay cho đường sánh, đều

Công đoạn sau khi nấu nước mía hơn 6 giờ đồng hồ là đảo đều tay cho đường sánh, đều

Để có được đường phên vàng ươm, đặc mịn, khi ăn ngọt và thơm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Chặt mía về phải dóc lá, chặt ngọn và ép ngay lấy nước. Trước kia khâu ép mía bằng khung trụ gỗ và dùng sức trâu kéo, nhưng nay đã thay bằng máy ép chạy điện, các công đoạn còn lại vẫn thủ công theo truyền thống.

Nước mía sau khi ép cho vào chảo gang lớn đun khoảng 6 giờ, trong quá trình đun thường xuyên vớt bọt, khi nước mía bắt đầu sánh và đặc lại thì điều chỉnh lửa để đường không bị cháy khét và đắng. Khi đường đã đặc sánh, có màu sắc vàng ươm thì bắc chảo đường xuống để khoảng 40 phút, đảo thật đều tay để đều màu rồi đổ ra khuôn. Khoảng 2 giờ thì cắt đường thành từng miếng. Làm đường phên không quá khó, nhưng phải biết lấy đường vừa tầm. Nếu quá non, đường sẽ bị chảy nước, không để được lâu; quá già, đường sẽ bị đắng.

Những chảo đường sánh, vàng đẹp

Những chảo đường sánh, vàng đẹp

"Nhờ điều kiện tự nhiên phù hợp nên sản phẩm mía đường của thôn rất được ưa chuộng. 1 tạ mía sẽ làm được khoảng 10kg đường phên thành phẩm, giá 30.000 - 35.000 đồng/kg. Nhờ làm mía đường, đời sống của nhiều hộ dân thôn Pò Nim thêm ổn định. Tuy nhiên, phần vì đầu ra của sản phầm chưa liên kết được với các đơn vị lớn để tiêu thụ ổn định, phần vì những năm gần đây con em trong độ tuổi lao động đi làm công nhân ở các công ty nên một số hộ cũng bỏ dần", ông Nam chia sẻ.

Phần lớn các công đoạn làm đường phên ở Pò Nim chủ yếu bằng thủ công

Phần lớn các công đoạn làm đường phên ở Pò Nim chủ yếu bằng thủ công

Ông Hoàng Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Cường Lợi cho biết: Làm mía đường đã góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho nhiều hộ dân các thôn Pò Nim, Nà Nưa, đây là hai thôn nhiều năm duy trì nghề làm mía đường. Toàn xã có khoảng hơn 10ha mía được duy trì. Trên cơ sở phát triển cây mía, năm 2019 HTX mía đường Cường Lợi được thành lập. Sản phẩm mật mía, đường phên đã được xếp hạng OCOP 3 sao. Những năm tới, địa phương khuyến khích bà con duy trì nghề làm mía đường; tiếp tục quan tâm việc phát triển sản phẩm, hỗ trợ để xây dựng thêm các sản phẩm từ đường phên, mật mía thành sản phẩm OCOP./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in