Về chợ tình nghe hát giao duyên

BBK - Chợ tình Xuân Dương là lễ hội văn hóa truyền thống được tổ chức vào dịp 24/3 (âm lịch) hằng năm tại xã Xuân Dương, huyện Na Rì. Năm nay, lễ hội diễn ra từ ngày 01 - 03/5 với nhiều hoạt động hấp dẫn, gắn với “Tuần Văn hóa – Du lịch’ tỉnh Bắc Kạn năm 2024.

Hằng năm, cứ gần đến tháng 3 âm lịch, không chỉ đồng bào Nùng mà bà con các dân tộc tại tỉnh Bắc Kạn và một số thuộc tỉnh Lạng Sơn lại rộn ràng, háo hức, rủ nhau chuẩn bị về Chợ tình Xuân Dương.

Cho tinh.png
Chợ tình Xuân Dương không chỉ được bà con dân tộc Nùng ở đây mong đợi mà còn thu hút được sự quan tâm của cộng đồng các dân tộc từ nơi khác đến để khám phá, trải nghiệm nét văn hóa đặc sắc.

Chợ tình Xuân Dương chỉ có một ngày duy nhất trong năm, ngày 25/3 âm lịch. Phiên chợ gắn với sự tích chuyện tình đôi vợ chồng trẻ dân tộc Nùng canh tác trên thửa ruộng dài và họ đã bị lạc mất nhau, để rồi mãi về sau câu chuyện đẫm nước mắt ấy chỉ còn là những kỷ niệm được trai gái ôn lại trong phiên chợ tình…

Chợ tình hàm chứa giá trị nhân văn sâu sắc như lời nhắn nhủ cho lớp trẻ hôm nay, hãy biết nâng niu, trân trọng tình yêu mình đang có. Mà hơn thế là việc giữ gìn, bảo tồn, trao truyền sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ mai sau…

Bên sông Bắc Sen thơ mộng đã chứng kiến biết bao mối tình đẹp của các bạn trẻ nên duyên chồng vợ, nhưng cũng chứng kiến không ít mối tình sâu đậm mà không thành đôi. Những lời Sli sâu lắng của các chàng trai hẹn hò thiếu nữ in đậm trong trái tim yêu bao người…

Dòng sông đừng trễ chuyền đò ngang

Ta kịp sang đông để đón nàng

Ngày về dự hội chung câu hát

Lòng thấy bồi hồi, dạ xốn xang

cho tinh 1.jpg
Bờ sông Bắc Sen - nơi sẽ diễn ra màn hát giao duyên của 100 nghệ nhân tại Chợ tình năm nay

Lời Sli là những câu chuyện đời sống thường ngày, là khúc hát giao duyên, là nét văn hóa đặc sắc, cũng là tiếng lòng của người dân vùng cao. Sli trong tiếng Nùng nghĩa là thơ. Hát Sli là hình thức hát dưới dạng đối đáp nam nữ, thường do một hoặc vài đôi trai gái trong các ngày hội, ngày chợ, ngày cưới, ngày vào nhà mới... Bao giờ cũng có người đứng ra Sli trước (kiểu mời gọi lĩnh xướng), người hát trước thường là người có giọng vang, trong và phải có khả năng ứng đối khéo léo, tài tình và nhanh nhạy. Khi bên này vừa ngừng tiếng Sli (hỏi) thì bên kia cũng phải có người nhanh chóng cất lời Sli để đáp lại với lối hát bè, hòa thanh giọng cao, giọng thấp, không có nhạc đệm, không có vũ đạo kèm theo, khi hát người hát tự phối bè với nhau, giao lưu, trình diễn theo một chủ đề, cốt truyện nhất định do người hát tự biên, tự diễn thể hiện qua nét mặt, qua một vài cử chỉ, điệu bộ của tay để diễn tả nội dung khi hát.

Biết bao nhiêu câu Sli, lượn được nam nữ thanh niên thể hiện, giãi bày với những chủ đề đa dạng, ý nhị, sâu xa… Mỗi người một cách hát mang tâm trạng riêng tư, người thì hát lời vu vơ mang thông điệp mọi thứ đã xa rời. Mỗi cuộc hát sli có cấu trúc ba chặng. Đầu tiên là những lời chào mời thăm hỏi, sau đó là những trao đổi tâm tình. Đây chính là phần lôi cuốn nhất của cuộc hát Sli, bởi lời đối đáp thể hiện sự tài hoa của mỗi người với những ví von ẩn chứa nhiều hàm ý hay mượn những câu hát về cây cối, trăng sao, năm tháng... để thổ lộ tình cảm của chính mình. Cuối cùng là tiễn biệt dặn dò…

Lại một phiên chợ đang đến gần, mời bạn về với Chợ tình Xuân Dương cùng thả hồn vào những câu Sli giao duyên "để cho người cũ tìm về với duyên xưa"…/.

Xem thêm

Video

Đọc báo in