Trường THPT Ngân Sơn xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn

Thông qua hoạt động trải nghiệm giúp học sinh phát triển sự sáng tạo, tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng sống, Trường THPT Ngân Sơn đang từng bước xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn từ việc trồng gừng.

Diện tích gừng đang chuẩn bị cho thu hoạch của học sinh lớp 10A1.
Diện tích gừng đang chuẩn bị cho thu hoạch của học sinh lớp 10A1.

Mô hình trồng gừng được thực hiện năm đầu tiên trong năm học 2020 – 2021 đối với khối lớp 10, từ việc tận dụng khoảnh đất trống của trường chưa sử dụng. Đến nay, diện tích gừng đã bắt đầu được thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt trên 200kg. Với giá bán gừng tươi từ 20.000 – 30.000 đồng/kg, các em sẽ thu về số tiền không nhỏ để gây quỹ. 

Em Triệu Thị Hiền- Học sinh lớp 10A1 cho biết: "Từ mô hình này, chúng em có thể trực tiếp áp dụng lý thuyết trong sách vào thực hành thực tế. Hằng ngày, lớp phân công từng tổ chăm sóc gừng, qua đó giúp chúng em được trải nghiệm từng công đoạn trồng, chăm sóc cây gừng, từ đó có thể áp dụng trồng tại gia đình. Số tiền bán gừng sẽ được dùng làm quỹ sử dụng trong hoạt động chung của lớp như giúp các bạn có hoàn cảnh khó khăn, ủng hộ vùng bị bão lụt..."

"Việc học gắn với thực hành giúp chúng em được trải nghiệm và cảm thấy hứng thú với môn học. Em đã nắm được các bước làm đất, trộn phân, đất và trấu để đảm bảo độ tơi xốp cho củ gừng phát triển; cây gừng không ưa ẩm bởi dễ bị thối củ nên không được tưới nước quá thường xuyên… Từ những kinh nghiệm thực tế đó em có thể trồng thành thạo tại vườn nhà. Em mong muốn nhà trường có thêm nhiều mô hình gắn với thực tiễn để chúng em học tập, thực hành và trải nghiệm nhiều công việc khác nhau", em Nông Tuấn Anh- Học sinh lớp 10A1 chia sẻ.

Mô hình trường học gắn với thực tiễn của Trường THPT Ngân Sơn lựa chọn triển khai trồng gừng bởi đây là cây trồng gần gũi, quen thuộc với các gia đình và đem lại giá trị kinh tế cao. Quá trình trồng, chăm sóc đều có sự hướng dẫn của giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm. Việc học gắn với thực tiễn không chỉ giúp học sinh hiểu được giá trị của lao động mà còn tạo không khí học tập thoải mái, phát huy tính sáng tạo, tích cực của học sinh, nâng cao kiến thức, phát triển khả năng hợp tác, làm việc nhóm.

Cô giáo Tạ Thị Chung- Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ngân Sơn cho biết: Xây dựng trường học gắn với thực tiễn, nhà trường thực hiện mô hình trồng gừng, giúp học sinh vận dụng lý thuyết từ môn học Công nghệ áp dụng vào thực tế. Đồng thời, qua đó giúp các em có khoản quỹ để sử dụng cho việc chung của lớp. Trong năm học 2021 – 2022, nhà trường tiếp tục nhân rộng mô hình đối với cả khối 10 và khối 11. Diện tích đất để trồng thành luống không nhiều nên nhà trường xây dựng kế hoạch trồng gừng vào các bao tải, vừa bảo vệ môi trường, vừa thuận tiện chăm sóc và phù hợp với khuôn viên trường học. Việc tổ chức hoạt động dạy học gắn với thực tiễn đã tạo hứng thú cho học sinh, giảm áp lực học tập. Các em có cơ hội trải nghiệm thực tế, thể hiện năng lực cá nhân một cách tự nhiên, năng động, sáng tạo hơn. Với đặc thù học sinh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, thời gian tới nhà trường tiếp tục xây dựng các mô hình gắn việc học với thực tiễn để giáo dục kỹ năng sống, đồng thời góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh./.

Hà Nhung

Xem thêm

Video

Đọc báo in