"Gieo chữ" trên vùng đất khó

Không quản ngại gian khó những giáo viên ở điểm trường Khau Phoòng, xã Bằng Vân (Ngân Sơn) vẫn hằng ngày miệt mài bám bản, vận động trẻ đến lớp, duy trì sĩ số học sinh, đem con chữ "ươm mầm" cho trẻ vùng cao.

Lớp ghép hai trình độ tại điểm trường Khau Phoòng.
Lớp ghép hai trình độ tại điểm trường Khau Phoòng.

Cách trung tâm xã Bằng Vân khoảng 10km, nhưng mất một giờ đồng chúng tôi mới đến được điểm trường Khau Phoòng. Cô giáo Nông Thị Yến- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bằng Vân chia sẻ: Trường Tiểu học Bằng Vân hiện có 2 điểm lẻ ở thôn Vi Ba và Khau Phoòng, trong đó điểm trường ở Khau Phoòng là xa xôi, khó khăn nhất. Đường lên điểm trường Khau Phoòng rất khó đi, từ trung tâm xã các giáo viên phải vượt qua gần chục cây số đường rừng để mang con chữ đến với học sinh nơi đây.

Sinh ra và lớn lên ở huyện vùng cao Ngân Sơn, cô giáo Hứa Thị Giang, giáo viên điểm trường Khau Phoòng thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Chính điều đó đã thôi thúc trong cô ước mơ trở thành một cô giáo, để mang con chữ đến với những em nhỏ vùng cao quê hương mình. Hơn 20 năm dạy học, phần lớn thời gian cô gắn bó với các điểm trường vùng cao xa xôi, khó khăn nhất của  huyện Ngân Sơn. Chia sẻ về những nhọc nhằn mang con chữ lên vùng cao, cô Giang cho biết: Công tác ở các điểm trường lẻ, đường giao thông đi lại khó khăn, thời gian đầu tôi thấy rất buồn, nhưng luôn cố gắng vượt qua. Lâu dần tôi quen với nhịp sống ở của bà con vùng cao.

Không chỉ có các giáo viên vượt khó mang con chữ đến điểm trường vùng cao mà những học sinh nơi đây để đến trường cũng phải dậy sớm vượt đèo, lội suối. Mùa đông, rét căm căm, học sinh nơi đây mong manh trong tấm áo mỏng đến trường khiến các giáo viên luôn trăn trở, xót xa. Chính  điều đó, càng thôi thúc các giáo viên thêm yêu thương, gắn bó và sẵn sàng "cắm bản" để giảng dạy cho học sinh để các em trở thành người có ích cho xã hội.

Giờ ăn trưa của học sinh tại điểm trường Khau Phoòng.
Giờ ăn trưa của học sinh tại điểm trường Khau Phoòng.


Điểm trường Khau Phoòng, hiện có 01 lớp ghép tiểu học hai trình độ lớp 1 và 2, do cô Giang giảng dạy với 10 học sinh và 01 lớp Mầm non với 15 trẻ độ tuổi từ 2 - 5 tuổi do cô Nông Thị Phương phụ trách. Học sinh ở đây ăn bán trú, gia đình các em đóng góp tiền, gạo nhờ cô giáo mua thức ăn, phụ huynh và giáo viên thay phiên nhau đến nấu nướng. Chị Bàn Thị Lành, một phụ huynh chia sẻ: Hằng ngày, mỗi gia đình cử một người đến góp gạo và nấu cơm cho trẻ. Các cháu đều khỏe mạnh vì chế độ ăn được đảm bảo theo thực đơn, chúng tôi rất yên tâm khi gửi trẻ tại trường.

EmTriệu Văn Quân, học sinh lớp 2, điểm trường Khau Phoòng, có hoàn cảnh khó khăn, nhà xa điểm trường vài cây số đường rừng nhưng vẫn vượt khó để đến trường. Em cho biết: Em rất thích được đến trường để học tập và vui chơi cùng với các bạn. Đến trường, em được cô giáo chỉ bảo nhiều điều hay, lẽ phải, được học viết, học toán. Cô giáo rất yêu thương và chăm chút cho chúng em từ việc nhỏ nhất và luôn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để các em được đến trường. Em cố gắng học tập tốt để không phụ tấm lòng của các thầy cô.

Ông Lý Quốc Đâu- Trưởng thôn Khau Phoòng,  xã Bằng Vân, bày tỏ: “Trước đây, người dân trong thôn khổ lắm, không có trường cho trẻ đi học. Bây giờ, có trường lớp, các cháu được học hành đầy đủ. Các cô giáo ở dưới trung tâm lên đây dạy học chu đáo, nhiệt tình, chúng tôi rất trân trọng và quý mến. Bà con dân bản chỉ mong con đường sớm được bê tông để các thầy cô đi lại đỡ vất vả, yên tâm công tác, mang tri thức đến cho trẻ vùng cao”./.


Lý Dũng - Trần Tuyến

Xem thêm

Video

Đọc báo in