Quốc hội thảo luận về công tác phòng, chống tội phạm, tham nhũng năm 2023

BBK - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, ngày 21/11, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2023.  Phiên họp do Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành.
Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân tham gia phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Bắc Kạn Hồ Thị Kim Ngân tham gia phát biểu thảo luận tại phiên họp.

Trước khi thảo luận, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Công an, Tổng Thanh tra Chính phủ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2023, Báo cáo về công tác thi hành án năm 2023, Báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2023; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2023; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2023 và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày các báo cáo thẩm tra về các nội dung trên.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh bày tỏ đồng tình và nhất trí cao với các nội dung đã được đánh giá tại các báo cáo. Cơ bản các báo cáo đã phản ánh, phân tích những thuận lợi, khó khăn, thách thức và những vấn đề mới nảy sinh phải giải quyết, nêu rõ những kết quả đạt được theo chỉ tiêu của Quốc hội giao, những hạn chế, khó khăn, nguyên nhân và đề ra giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ rõ, theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2023, số vụ vi phạm về trật tự xã hội tăng và tăng số người chết, số người bị thương, tăng thiệt hại về tài sản tăng. Nhóm tội phạm phức tạp trở lại là: Giết người, cố ý gây thương tích, xâm hại trẻ em, nhất là tội phạm giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, mâu thuẫn vay nợ, tranh chấp đất đai, tài sản, một số vụ do người tâm thần, người nghiện ma túy gây án. Từ những vụ giết người có tính chất tàn bạo vừa qua cho thấy đây là một hiện tượng xã hội đáng lo ngại, cần có nghiên cứu đánh giá sâu hơn về những nguyên nhân làm gia tăng nhóm tội phạm này.

Theo đại biểu, với sự phát triển của truyền thông và mạng xã hội, mức độ lan toả thông tin đã biến đổi mạnh mẽ, việc khai thác các tình tiết ly kỳ, chi tiết của từng vụ án nhằm thu hút người xem đã tạo ra tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, hành vi của người tiếp cận thông tin. Do đó, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu cứu, phân tích đánh giá sâu hơn các nguyên nhân đối với nhóm tội phạm này, trong đó phân tích các nguyên nhân liên quan đến vấn đề về giáo dục, sự ảnh hưởng tiêu cực của bùng nổ thông tin, sai lệch nhận thức cần được phân tích làm rõ và đưa ra giải pháp căn cơ, nhất là giải pháp về giáo dục hình thành, nuôi dưỡng nhân cách đạo đức con người; cách tiếp cận, sàng lọc thông tin; trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quản lý các hoạt động trên không gian mạng… Để từ đó nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, phòng ngừa nghiệp vụ, hạn chế điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn hoạt động của các cơ quan tại địa phương và qua theo dõi giám sát triển khai thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, một số quy định của pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống, xử lý tội phạm chưa phù hợp, đầy đủ cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung liên quan đến các quy định về: Phong tỏa tài sản trong trường hợp khẩn cấp. Hiện nay, nhiều người dân trở thành nạn nhân bị đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng và ngay khi phát hiện đã trình báo với cơ quan chức năng, tuy nhiên do Luật hiện hành chưa có quy định và chưa có hướng dẫn về việc phong tỏa tài khoản khẩn cấp nên lực lượng chức năng không có cơ sở để ngăn chặn đối tượng lừa đảo tẩu tán số tiền vừa chiếm đoạt, gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm của cơ quan chức năng và thiệt hại cho người dân; đề nghị bổ sung quy định về quyền được tiến hành thực nghiệm trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong một số trường hợp như tin báo về tai nạn giao thông để lực lượng chức năng có cơ sở thực hiện.

Trên cơ sở phân tích những vướng mắc, bất cập và khó khăn của các lực lượng chức năng trong việc bảo quản, xử lý các tài liệu, tài sản, đồ vật trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị cơ quan chức năng cần nghiên cứu và sửa đổi các quy định cho phù hợp; đại biểu thể hiện quan điểm đồng tình với kiến nghị của Bộ Công an trong việc bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự về “Bảo quản, xử lý vật chứng, tài sản, đồ vật tài liệu từ giai đoạn giải quyết nguồn tin và quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự” để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay./.

Xem thêm

Video

Đọc báo in